Siêu trí tuệ Việt Nam là chương trình truyền hình đang hot ở thời điểm hiện tại. Được bắt nguồn từ nước Đức, đi qua một loạt các quốc gia như Tây Ban Nha, Ukraina, Pháp, Trung Quốc, chương trình tìm kiếm những con người có trí tuệ phi thường này đã đến Việt Nam, có tập đầu tiên được phát sóng vào ngày 26 tháng 10 năm 2019. Những fan hâm mộ Việt giờ đây không cần phải thảng thốt trước điều phi thường từ những thiên tài người nước ngoài nữa. Siêu trí tuệ Việt Nam đem đến cho người xem những màn “đấu trí” căng não và đầy mãn nhãn từ những người Việt Nam.
Dù là một đấu trường trí tuệ yêu cầu độ chính xác phải tuyệt đối nhưng hy hữu là chuyện không thể tránh khỏi. Mới đây, một anh chàng tên Ngọc Anh ở kênh Youtube Andy Nova đã làm một video với title là “Gửi BTC Siêu Trí Tuệ VN: Tôi chỉ cần 1 phút có thể phá kỷ lục 31p giải Ma trận 1380 Số nguyên tố” để chỉ ra một số “lỗ hổng” của đề bài mà ban tổ chức giao cho người chơi trong tập 7 của chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam (người chơi là bạn Huy Hoàng – Á quân Đường lên đỉnh Olympia 2017).
Giảng viên Tiếng Anh giải thử thách của chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam trong 60s thay vì kỷ lục Việt Nam 31 phút vì “lỗ hổng” sau đây
Vậy anh chàng Ngọc Anh này là ai và tại sao anh ta lại phát hiện được “lỗ hổng” mà anh ta cho rằng, có thể kỷ lục của Việt Nam sẽ không được thế giới công nhận?
Nhữ Đình Ngọc Anh
Nguyên giảng viên Tiếng Anh chuyên ngành Khoa học Kỹ thuật, Kinh tế ở Đại học Bách Khoa Hà Nội
- Từng được nhận học bổng toàn phần Australia Awards do Chính phủ Australia trao tặng.
- Tốt nghiệp thạc sĩ hạng xuất sắc tại Đại học Monash (đại học đứng top 20 thế giới về giáo dục)
- Quán quân giải thưởng Giáo viên tiếng Anh IELTS 2018 thế giới do trường Đại học Cambridge, Hội đồng Anh, Tổ chức IELTS và Hiệp hội các Giáo viên tiếng Anh toàn cầu tổ chức.
- Sáng lập dự án VPROMISE giành giải nhất cuộc thi Innovation ForGood Award tại Vietnam Internet Forum 2017, được viết tắt từ: Vietnamese people’s resolution of one million ielts seven or equivalent (lời hứa của một triệu người cam kết sẽ học giỏi tiếng Anh từ 7.0 ielts trở lên).
- Nhà đồng sáng lập “8 IELTS” – một chương trình truyền hình giáo dục phát sóng trên kênh VTV7.
- 2 lần là diễn giả của TEDX Talks
Nội dung video của Ngọc Anh xoay quanh 3 điểm chính. Thứ nhất, anh đã chỉ ra “lỗ hổng” của thử thách Ma trận số nguyên tố. Thứ hai, Ngọc Anh đã cung cấp 2 cách giải chỉ dưới 1 phút và 30 phút bằng cách tận dụng hai điểm anh cho là “lỗ hổng” thay vì như kỷ lục mà chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam đã ghi nhận là 31 phút. Và cuối cùng, anh đã bày tỏ quan điểm cá nhân về việc “rất có thể kỷ lục thế giới của Việt Nam trong chương trình này sẽ không được công nhận”.
Để giải thử thách chỉ dưới 1 phút, anh đã chỉ ra lỗ hổng thứ nhất như sau: “Ma trận này sẽ không nằm trong mọi vị trí có thể nữa mà bắt buộc 4 số nguyên tố trong 7 số đó phải tạo thành góc vuông. Đấy là điểm chết người làm cho đề bài dễ hơn rất là nhiều”. Lỗ hổng thứ hai anh chỉ ra là “nằm ở việc khai báo kết quả”. “Thay vì khi tìm ra số đó, chúng ta phải nói ngay với ban tổ chức. Nhưng chúng ta phải làm thêm một bước nữa là phải mở container… Một mật mã gồm năm chữ số nhưng lại không nằm trên một khóa mà mỗi chữ số lại tương ứng với một khóa”, “cả năm mật mã trên cùng một khóa và phải đúng cả năm số đó thì khóa mới được mở, kể cả khi mình đúng 4 trên 5 số rồi nhưng vẫn sai thì mình vẫn không biết là mình đang sai ở chỗ nào”, nhưng trong chương trình thì “mình chỉ có một khóa tương ứng với một số từ 0 đến 9, mình vặn 10 số thì kiểu gì nó cũng sẽ mở được”, anh chàng cho hay.
Ngọc Anh đang trình bày “lỗ hổng” thứ nhất.
Tiếp đến, để giải thử thách dưới 30 phút, Ngọc Anh chia sẻ: “Chính bởi vì là 4 số trong 7 số nguyên tố phải tạo nên một góc vuông nên điều này giới hạn lại vị trí của các số rất là nhiều, và 7 số nguyên tố đó không còn nằm tự do trên bản đồ ma trận nữa mà chắc chắn là thứ nhất, nó phải bao quanh số chính, thứ 2 là nó phải nằm cùng hàng ngang và hàng dọc với nhau để có thể tạo được thành góc vuông. Dẫn đến lỗ hổng là chúng ta chỉ cần tìm được một số nguyên tố thì có khả năng rất cao là khi gióng hàng ngang và dọc của số đó thì sẽ tìm ra được một vài số còn lại”.
Để bổ sung cho luận điểm của mình, Ngọc Anh còn cung cấp nhiều kiến thức khác về toán học như quy luật về kết thúc của số nguyên tố. Trong video, anh cho rằng đã phát hiện thêm một điểm khiến thử thách này dễ hơn bình thường. Đó là 7 số nguyên tố bao quanh số chính là những số nguyên tố rất là bé và dễ tính. “Mang tiếng đây là một ma trận gồm các số 5 chữ số nhưng tất cả 7 số nguyên tố ở đề 1 và 3 trong số 7 số nguyên tố ở đề 2 trong ma trận đều nhỏ hơn 9999 là gồm 4 chữ số trở xuống”. Anh cho rằng đây là một trường hợp hy hữu. Ngọc Anh sử dụng Xác suất Bernoulli tính toán làm sao để cả ra đề bài 7 số nguyên tố đều nhỏ hơn 9999 là 5*10^-7. “Như vậy, để được một đề dễ như thế này, bạn người chơi này phải thi 2 triệu lần thì mới được cái đề thi dễ như vậy”. Anh còn lấy ví dụ so sánh sự hy hữu dễ hơn cả với xổ số Vietlott với xác suất trúng thưởng là ⅛ triệu.
Quy luật số kết thúc của các số nguyên tố
Từ nghi vấn cả 7 số nguyên tố đều dưới 9.999, anh lại tiếp tục quan sát thấy toàn bộ cả 2 ma trận ra đề cho thí sinh, nói là 5 chữ số nhưng hóa ra cả 1380 số không hề có số nào cao hơn 20.000, trong khi đáng lẽ phải ngẫu nhiên từ 0 đến 99.999. Anh tiếp tục tính xác suất ngẫu nhiên để xảy ra chuyện cả 2 ma trận 1380 chữ số không có số nào quá 20.000. Kết quả cho ra được rất thấp, là 10^-960, có nghĩa là nhiều hơn rất nhiều cả số hạt cát trên trái đất (10^20) và số nguyên tử có trong vũ trụ này (10^100), một con số anh cho rằng là không tưởng và không thể xảy ra được nếu thật sự ra đề một cách ngẫu nhiên và công tâm.
Liên hệ với nhân vật Nhữ Đình Ngọc Anh, anh chia sẻ động lực đã khiến anh làm video nói về điều anh cho là “lỗ hổng” của chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam: “Thứ nhất là ở vị trí một khán giả, xem chương trình trí tuệ lẽ tự nhiên là mình thích tư duy để tìm ra cách giải đề. Khi tìm ra một đáp án mà nhanh hơn mấy chục lần cách giải thông thường, thì mình thấy cần phải chia sẻ. Vì nó còn liên quan đến sự công bằng của những người đi thi. Sự chính xác và đáng tin cậy của đề ra là rất quan trọng. Nếu có mẹo làm cho đề bài có thể giải được nhanh gấp chục lần người thường thì đề không còn có thể làm thang đo đáng tin cậy nữa và kỷ lục cũng không còn giá trị. Thứ hai là mình nhận thấy xem chương trình chưa đã lắm vì phần màu mè, nói quá và làm dễ đề hơi nhiều, mình muốn phản ánh lại để có những cuộc thi thực chất hơn. Thứ ba là mình cũng là người từng làm nhiều chương trình, mình thấy trong những show này sự đầu tư và tiếng nói của những người làm chuyên môn nhiều phần bị lấn át bởi BTC và còn phải nể nang nhà tài trợ. Qua việc này mình muốn các BTC các show đầu tư vào chuyên môn nhiều hơn, để mảng chuyên môn thật sự có tiếng nói”. Anh còn cho biết thêm: “Bản thân là giáo viên, mình là người làm đề nhiều nên sự chính xác và đáng tin cậy của đề ra là rất quan trọng… Hơn nữa, tuy là một người chuyên về mảng tiếng Anh, không có chuyên môn về Toán mà đã có thể phát hiện ra lỗ hổng của đề ra, thì đấy là vấn đề khá lớn”.
Anh cho rằng xác suất để cho ra một thử thách đơn giản như vậy rất nhỏ, đây là chuyện hy hữu
Khi được hỏi đã mất bao nhiêu thời gian để cho video ra đời, anh cho hay: “Lúc xem chương trình, mình đã thấy hơi gợn gợn rồi. Vậy nên chỉ cần tua lại đoạn đó và khẳng định lại các giả thuyết của mình, mất 15 phút là mình có thể khẳng định được. Ngoài ra vì mình không phải dân toán nên đến tối mình có inbox nhờ mấy đứa em mình rất giỏi và đi thi Olympia, được HCV Olympic kiểm tra lại, thì mình tự tin là mình đúng. Mình mất ba hôm bận việc mới dành ra được một buổi tối để thu và dựng clip up lên”. Anh cũng cho biết thêm: “Cái quan trọng là làm thế nào để chọn được cách nói mang tính xây dựng và cách giải thích, minh họa dễ hiểu để cho người không xem chương trình mà chỉ qua clip của mình cũng có thể hiểu được chứ bản chất vấn đề thì mình không mất nhiều công lắm”.
Tuy là một video để “bóc phốt”, chỉ ra lỗ hổng của một chương trình truyền hình của nhà đài Việt Nam nhưng với tâm thế muốn trao đổi, xây dựng, góp ý, video của anh chàng Ngọc Anh cũng đã nhận được khá nhiều bình luận đồng tình với phát hiện của mình.
Tuy đề có “lỗ hổng” nhưng anh vẫn tin tưởng rằng bạn người chơi đã giải đề bằng chính năng lực của bản thân và cho biết thêm, người Việt Nam có đủ khả năng để so tài với thế giới.
Nội dung video của anh có đề cập đến việc có thể kỷ lục thế giới của Việt Nam sẽ không được thế giới công nhận, trả lời với chúng tôi, anh cho hay: “Mình nghĩ kỷ lục Việt Nam sẽ không được thế giới công nhận, vì khi BTC thông báo ra 1 đề có 5 chữ số, người xem và cả giám sát quốc tế sẽ phải đảm bảo ma trận nó thật sự random từ 0 đến 99999 chứ không được có những tình tiết làm dễ hơn như tất cả 2 đề 7 Số nguyên tố đều bé hơn 9999, và tất cả 2 đề ma trận 1380 số không có số nào lớn hơn 20000”. Tuy nhiên, anh còn cho biết thêm: “Chắc chắn là đề bài của thế giới sẽ không dễ như đề bài này. Nhưng mình cũng tin tưởng rằng ở Việt Nam cũng có nhiều người giỏi hơn có thể giải được. Chúng ta chỉ cần tổ chức một sân chơi công bằng và có một hệ thống giải thưởng và chế độ đãi ngộ tốt, thì chắc chắn chúng ta có cơ thi đấu với các nước khác”.
Ngọc Anh là dân ngôn ngữ, nên việc làm video bước đầu cũng gặp một vài khó khăn.
Để làm ra một chiếc video về toán học với một người chuyên về ngôn ngữ khá khó khăn, anh cho biết thêm: “Chuyện học về xác suất thì bất cứ người làm nghiên cứu cao học nào ở nước ngoài như mình cũng phải biết để làm luận văn, nhưng mình cũng quên đi gần hết sau khi có bằng xong rồi. Nên mình mới cần hỏi mấy đứa em giỏi để xác nhận lại. Còn những quy luật về số nguyên tố thì đúng là mình tự Google thêm sau khi xem chương trình, chứ mình không nhớ. Mình dạy tiếng Anh và đó không phải chuyên môn của mình nên mới cần hỏi lại”.
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.