Cùng lắng nghe tâm sự của người đứng sau những bộ đồ đắt đỏ của Binz và Big Daddy tại 2 show truyền hình hot nhất hiện nay, và có lẽ, bạn sẽ phần nào hình dung được phần nào về công việc “tỏa sáng sau cánh gà” này.
Vào khoảng thời gian đầu những năm 2010, khi mà trào lưu chơi giày mới manh nha tại Việt Nam, Air Jordan là một cái tên thực sự xa xỉ. Chuỗi sự kiện Sneaker Step được tổ chức lần đầu vào năm 2011, đánh dấu mốc những đôi Air Jordan hiếm có và đắt đỏ như Jordan 5 Tokyo, Jordan 3 – 4 Doernbecher hay Quai 54 bắt đầu được đưa về Việt Nam theo dạng “triển lãm”. Người đưa những đôi giày đó về Việt Nam là Lê Hoàng Bảo – Bảo Cận, một du học sinh Mỹ đã từng nổi đình đám trong cộng đồng yêu giày và thời trang ở thời điểm ấy.
Xuất thân là một “Rich Kid” ở thời điểm thuật ngữ “Rich Kid” thậm chí còn chưa được báo mạng khai phá, Bảo Cận được nhiều người biết đến bởi bộ sưu tập giày lên tới hàng trăm đôi, phần lớn trong số đó đều có giá trị sưu tầm rất cao. “Rich Kid” Bảo Cận sau đó bỗng biến mất, nhường chỗ cho các đầu giày Việt mới nổi lên, và rồi trở lại sau vài năm với tên gọi cũng như vai trò hoàn toàn mới: Stylist Bảo Paul.
Bảo Paul sang Mỹ du học từ năm 2008 chuyên ngành kinh tế với mục tiêu tốt nghiệp đại học và MBA, về nước và phát triển bản thân ở các lĩnh vực tương tự. Thế nhưng, tình yêu với văn hóa đường phố của cậu trai Bảo Cận năm ấy đã vô tình bén duyên với cái nôi của hip-hop, khiến Bảo Cận của ngày ấy nhanh chóng ngã vào tình yêu bất tận với thời trang nói chung và sneaker nói riêng.
“Tôi nhanh chóng trở thành một con nghiện giày đích thực sau khi sang Mỹ du học.” – Bảo Paul chia sẻ về “Bảo Cận” như vậy. Một người bạn thân khá nổi tiếng của Bảo Paul – phù thủy âm nhạc Touliver – đã từng viết tặng anh ca khúc ngẫu hứng sau khi phải chia tay anh bạn thân đi du học được vài tháng, trong đó có câu “Mới đi được mấy tháng mà đã mua được ba mươi đôi giày” kèm theo lời gửi gắm từ nhóm bạn nối khố, rằng “Lúc nào về mua giày làm quà cho anh em nhé.”
Một cách thú vị, câu nhắn nhủ nửa đùa nửa thật của Touliver và bạn bè tới Bảo Paul đã manh nha dẫn tới cái nghiệp Stylist của anh, khi mà nhóm bạn nổi tiếng của Bảo Paul chính là các thành viên đặt nền móng cho tổ đội SpaceSpeakers lừng danh ở thời điểm hiện tại.
“Touliver, Rhymastic, JustaTee, Soobin Hoàng Sơn, Cường 7, Ứng Duy Kiên, Triple D… đều là những người bạn, những người anh em tốt của tôi. Chúng tôi quen biết nhau dưới tình yêu dành cho âm nhạc, điểm chung về lối sống và ít nhiều sự quan tâm dành cho thời trang. Chính những người bạn thân thiết này sau đó cũng trở thành các khách hàng đầu tiên cho dịch vụ Stylist Bảo Paul.”
Từ những dự án đầu tiên thực hiện với tinh thần “chơi cho thỏa đam mê’’, Bảo Paul dần nhận ra tình yêu dành cho thời trang của mình đã dần tạo thành định hướng nghề nghiệp nghiêm túc, giúp anh kiên trì bám trụ trên con đường của mình. Bắt đầu với những MV như SS Swag (Space Speakers), Wet Lens (Andree Right-hand) với vai trò một “người cung cấp quần áo’’, tới nay, Bảo Paul đã bỏ túi gần 50 dự án MV ca nhạc và hàng trăm sân khấu biểu diễn khác với vai trò một Stylist đích thực. Lần “On-Air” sóng truyền hình quốc gia đầu tiên của Stylist Bảo Paul là chương trình “The Remix” đã tạo nền móng vững chắc cho anh để tiếp tục với các dự án sau đó mà gần nhất chính là hai show truyền hình đang hot nhất hiện nay: “Rap Việt” và “King of Rap”.
Ở thời điểm hiện tại, Bảo Paul đang được biết đến nhiều nhất với vai trò người định hướng phong cách cho Binz và các thí sinh trực thuộc đội của anh trong chương trình Rap Việt, đồng thời đảm nhận vai trò tương tự với rapper Big Daddy tại “King of Rap”. Trả lời cho câu hỏi “Anh định nghĩa như thế nào về nghề Stylist”, Bảo Paul đã nói những lời kể trên ngay lập tức.
“Stylist nghĩa là người định hướng phong cách và tạo ra hình ảnh cho khách hàng. Lấy ví dụ về BigDaddy và Binz, hai người bạn cũng như khách hàng của tôi ở thời điểm hiện tại, cả hai đều là rapper nhưng phong cách mà họ theo đuổi lại hoàn toàn khác biệt nhau. Tôi không thể cứ thế mà đưa cùng một thể loại quần áo, giày dép cho cả hai sử dụng. BigDaddy hướng tới hình tượng chàng trai lịch lãm, từng trải với kinh nghiệm sống phong phú từ đường phố, do đó, tôi thường xuyên để cậu ấy mặc những trang phục từ HUGO BOSS, Rhude, Ambush, Mastermind, thi thoảng sẽ là những local brand hợp style. Trong khi đó, bad boy Binz sẽ kết hợp hoàn hảo với những món đồ của Saint Laurent, đồng hồ Piaget hay các nhãn hàng streetwear phân phối bởi Therevndthen. Bên cạnh đấy, từ dáng vẻ, cách đi đứng, phong cách biểu diễn hay mỗi pose ảnh cũng đòi hỏi sự tham vấn từ vị trí Stylist.’’
Tuy nhiên, Bảo Paul cũng không phủ nhận phần công việc “đi mượn quần áo’’ của mình.
“Các khách hàng của tôi đều là những người có cá tính thời trang rất cao cùng tủ đồ phong phú. Tuy nhiên, đó là trang phục thường ngày của họ, còn khi biểu diễn, chụp hình và đi sự kiện, từng món đồ của sao sẽ phải được chọn lọc kỹ càng từ hàng nghìn thương hiệu khác nhau để tạo nên tổng thể phong cách thống nhất và đôi khi là truyền tải ý nghĩa ở phía sau. Chưa kể không phải bạn cứ muốn mượn là nhãn hàng sẽ cho phép, đó là 1 quá trình quyết định phụ thuộc cực lớn vào danh tiếng của khách hàng và kể cả bạn kèm những sản phẩm bạn đã thực hiện. Sau khi đã thống nhất được hình tượng khách hàng muốn nhắm tới, tôi sẽ phải trực tiếp đi tìm kiếm, mua sắm hay mượn từ các thương hiệu khác nhau trong áp lực thời gian gấp rút thường xuyên. Phần công việc thú vị và nặng nề ấy không thể tách biệt khỏi định hướng xây dựng hình ảnh của ngôi sao, thế nên tôi mới nói rằng Stylist không chỉ là kẻ đi vay mượn quần áo, họ là kẻ nhào nặn nên cá tính của một ngôi sao thông qua vẻ bề ngoài.”
“Người ta nhắc tới những bộ đồ của Binz hay BigDaddy chứ không nhắc nhiều tới tên tôi, bởi mục đích của nghề Stylist là vậy. Bạn không cần xuất hiện hoành tráng để chiếm lấy spotlight, vị trí của bạn là phía sau cánh gà, chăm chút cho hình ảnh của người nghệ sĩ. Tôi yêu thích vị trí này, và sống hết mình với vị trí này, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.”
Bảo Paul chia sẻ về công việc của mình. Anh hài lòng với vị thế của một người “nâng khăn sửa túi’’ cho khách hàng, đồng thời tự thừa nhận rằng giữa guồng quay bất tận của công việc, anh đôi khi đã bỏ quên công tác đánh bóng tên tuổi của mình.
“Stylist là công việc thực sự vất vả, đồng thời phải gánh chịu rất nhiều áp lực từ phía khách hàng. Khách hàng ở đây không chỉ có nghệ sĩ mà còn là những thương hiệu, nhãn hàng tài trợ cho sản phẩm nghệ thuật với yêu cầu khắt khe về từng tiểu tiết trong dự án. Chỉ một sai sót nhỏ sẽ dẫn tới hàng loạt những hệ quả đáng tiếc mà chỉ người trong cuộc mới có thể cảm nhận được. Do đó, trong quá trình sản xuất, tôi luôn phải theo sát nghệ sĩ tới từng đường đi, nước bước, cái phẩy tay hay nháy mắt. Quỹ thời gian để xây dựng hình ảnh cho chính mình là điều thực sự xa xỉ với tôi vào thời điểm này, và tôi cũng không nghĩ mình cần điều đó. Thành công của những Binz, Big Daddy và những khách hàng từng hợp tác mới là điều quan trọng nhất đối với tôi.”
Bảo Paul đã rất đắn đo cho câu trả lời này khi được hỏi rằng anh có điều gì muốn chia sẻ với các bạn trẻ đang muốn dấn thân vào nghiệp Stylist.
“Tôi không hề có ý phân biệt giàu nghèo, nhưng đây là sự thật phũ phàng cần được làm sáng tỏ với những bạn trẻ có niềm đam mê với nghiệp Stylist. Bạn biết tháp tam giác Maslow, phải không? Chỉ khi đã đủ ăn, đủ mặc, người ta mới bắt đầu nghĩ tới ăn ngon và mặc đẹp. Và, chỉ khi mặc đẹp, người ta mới có thể làm một Stylist. Không ai thuê một kẻ không biết ăn mặc về để xây dựng hình tượng cho mình cả.” – Bảo Paul chia sẻ.
Tự nhận là may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, anh cho rằng đó là bước đệm vững chắc để mình có cơ hội tiếp cận với sneaker game, sau đó là thời trang và nghiệp Stylist. Từng lên báo nhiều lần với tủ giày đồ sộ và đôi giày Rick Owens, Chrome hearts giá trên dưới 100 triệu đồng, Bảo Paul coi những món mua sắm xa xỉ ấy là trải nghiệm và học hỏi cần có cho bản thân để có được chỗ đứng hôm nay.
Ở tuổi 31, Bảo Paul dĩ nhiên không còn sống dựa vào trợ cấp của gia đình, biệt danh “Rich Kid” của anh hẳn nhiên cũng đã rơi vào quên lãng. Stylist là công việc theo dạng “Tiếng đến trước miếng đến sau’’, và chính Bảo Paul cũng phải làm cùng lúc nhiều công việc để vững tâm theo đuổi đam mê “cho người khác mặc đẹp” của mình.
“Tôi đã từng làm nhiều công việc khác nhau để cân bằng tài chính bên cạnh việc làm Stylist. Ở thời điểm hiện tại, tôi đang cộng tác cùng thương hiệu BOO và BOO LAAB ở khâu phát triển sản phẩm cũng như định hướng sáng tạo. Công bằng mà nói, tôi cảm thấy mình thực sự rất may mắn khi cả nghề chính và nghề phụ đều được gắn liền với đam mê thời trang của mình.”
“Tuy nhiên, tiền không phải là thứ tối quan trọng khi bạn muốn làm Stylist, bởi tiền đôi khi không mua được phong cách. Stylist là công việc đòi hỏi gần như tất cả các đức tính tốt của con người: Chăm chỉ, cầu tiến, cẩn thận và một chút thiên phú về óc thẩm mỹ. Nếu thiếu thứ gì, bạn hãy bổ sung thêm thứ đó. Đọc nhiều sách và tạp chí thời trang, chăm chỉ theo dõi guồng quay bất tận của showbiz hay thử nghiệm ứng dụng mọi phong cách trên chính bản thân mình là những gạch đầu dòng bắt buộc cho nghiệp Stylist.”
Theo Kenh14
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.