Nhữ Đình Ngọc Anh được cư dân mạng biết đến là chàng giảng viên tiếng Anh phát hiện ra “lỗ hổng” trong đề bài “Ma trận 1380 số nguyên tố” của chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam với một video đăng tải trên kênh Youtube Andy Nova có tên: “Gửi BTC Siêu Trí Tuệ VN: Tôi chỉ cần 1 phút có thể phá kỷ lục 31p giải Ma trận 1380 số nguyên tố”.
Siêu trí tuệ Việt Nam là chương trình truyền hình đang hot ở thời điểm hiện tại. Chính vì thế, bất kì một “nhất cử nhất động” của chương trình đều được mọi người quan tâm. Khi video của Ngọc Anh với nội dung phát hiện “lỗ hổng” của một chương trình học thuật nổi tiếng được lên sóng đã nhận được nhiều luồng ý kiến. Vậy anh chàng này là ai mà có thể gây bão dư luận?
NHỮ ĐÌNH NGỌC ANH
Nguyên giảng viên Tiếng Anh chuyên ngành Khoa học Kỹ thuật, Kinh tế trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
-
Từng được nhận học bổng toàn phần Australia Awards do Chính phủ Australia trao tặng.
-
Tốt nghiệp thạc sĩ hạng xuất sắc tại Đại học Monash (đại học đứng top 20 thế giới về giáo dục)
-
Quán quân giải thưởng Giáo viên tiếng Anh IELTS 2018 thế giới do trường Đại học Cambridge, Hội đồng Anh, Tổ chức IELTS và Hiệp hội các Giáo viên tiếng Anh toàn cầu tổ chức.
-
Sáng lập dự án VPROMISE giành giải nhất cuộc thi Innovation ForGood Award tại Vietnam Internet Forum 2017, được viết tắt từ: Vietnamese people’s resolution of one million ielts seven or equivalent (lời hứa của một triệu người cam kết sẽ học giỏi tiếng Anh từ 7.0 ielts trở lên).
-
Nhà đồng sáng lập “8 IELTS” – một chương trình truyền hình giáo dục phát sóng trên kênh VTV7.
-
Đại sứ thiện chí đại diện Việt Nam trên Nippon Maru Cruise Ship, đi thăm công du Nhật Bản và các quốc gia ASEAN trong vòng 52 ngày tại Chương trình 42nd SSEAYP (Tàu Thanh niên Đông Nam Á-Nhật Bản), tổ chức bởi Chính phủ Nhật/ASEAN và Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
-
2 lần là diễn giả của TEDX Talks.
“Mình biết tạo ra chỗ đứng riêng…”
Được biết, anh có một profile khá khủng trong sự nghiệp học tập, vậy anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về nó được không?
Một trong những điều may mắn nhất trong sự nghiệp của mình là khi mới tốt nghiệp, mình được tuyển vào làm Giảng Viên ĐH Bách Khoa HN. Cùng lúc ấy, mình nhận lời mời làm MC Tiếng Anh từ VTV. Thế đó, một giáo viên Tiếng Anh, nhưng lại làm trong 1 trường Đại học hàng đầu về kỹ thuật, dạy nhiều môn liên quan đến kỹ thuật, mà lại có kinh nghiệm tổ chức và sản xuất chương trình truyền hình. Ở trong cộng đồng giáo viên, không ai làm được truyền hình. Ở trong cộng đồng MC truyền hình, không ai làm giáo dục tiếng Anh. Số ít có thể vừa làm MC vừa làm giáo dục, thì cũng không ai biết dùng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo.
Chính vì thế trong mỗi cộng đồng, mình đều có thế mạnh riêng mà không ai có thể thay thế được. Tất cả những thành tích của mình đến từ sự đặc biệt đó, là nhờ mình biết tạo ra chỗ đứng riêng. Chứ mình không phải là thầy giáo giỏi nhất, cũng chẳng phải là MC nổi tiếng nhất.
Vậy giai đoạn nào hay thành tích nào anh cho rằng là thành công nhất tính tới thời điểm hiện tại?
Một trong những dấu ấn thành công nhất và gần nhất của mình là chuyến thăm nước Anh nhận “Giải Oscar trong dạy IELTS”, Giải Nhất Giáo viên tiếng Anh IELTS thế giới do trường Đại học Cambridge, Hội đồng Anh, Tổ chức IELTS và Hiệp hội các Giáo viên tiếng Anh toàn cầu tổ chức. Lúc đó mình cũng vừa tham gia làm đồng sáng lập Talk show đầu tiên dạy về IELTS ở Việt Nam với hàng chục triệu view sau Mùa 1. Cảm giác như vừa làm một bộ phim bom tấn (thành công về mặt doanh thu, khán giả) lại vừa được giải Oscar (được giới Hàn lâm công nhận).
Đó vẫn là một sự ghi nhận không tưởng và mình không nghĩ là lại được sớm vậy trong sự nghiệp của mình. Không chỉ có nhận giải thưởng tại Hội thảo thường niên do Hiệp hội các Giáo viên tiếng Anh toàn cầu tổ chức ở khu du lịch Brighton – Hạ Long của nước Anh, mình còn đi London, sau đó được đến tận trường Cambridge trên phía Bắc và được gặp hết những huyền thoại “Stan Lee” và “J K Rowling” của vũ trụ Tiếng Anh IELTS.
Mình không có thói quen tự thưởng cho mình những chuyến đi du lịch xa xỉ khi không có công trạng, nên gần như tuy đã đi gần 20 nước trên thế giới, nhưng đều là do mình trúng giải thưởng hoặc học bổng nào đó mà được bao đi cả, chứ mình cũng không cho phép mình đi tự túc bao giờ. Chỉ khi được giải Nhất, mình mới cho phép xả hơi thư giãn. Mình cũng đã ở Úc 2 năm và làm đại sứ thiện chí Việt Nam qua nhiều nước trên những du thuyền sang chảnh, nhưng đến nay chuyến đi Anh vẫn là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất.
Có bao giờ anh cảm thấy tự ti về bản thân?
Lúc nào mình cũng cảm thấy tự ti hết. Trong nhà toàn Giáo sư, Tiến Sĩ, người được giải HCV Olympic quốc tế. Ai cũng thông thạo 5-7 thứ tiếng và được đủ loại học bổng. Ở trường thì thường các bạn đi học thêm được học trước bài, điểm lúc nào cũng cao hơn mình, nên mình cứ luôn nghĩ là mình học kém. Suốt tuổi thơ mình đã quen với việc mình chẳng là ai cả.
Nhưng cái quan trọng là mình chỉ quan tâm là mình cần giỏi những thứ mình thích, còn các môn khác kệ. Người khác có giỏi cái khác mình càng mừng. Bill Gates cũng vậy, ông ấy chỉ toàn tuyển những người giỏi hơn mình, chắc ông ấy cũng không khỏi cảm giác tự ti, có khác gì mình. Nên sự tự ti nhiều khi cũng hay, nó cho thấy là mình đang được ở xung quanh toàn những người giỏi.
Bí quyết nào giúp anh nhận được học bổng toàn phần Australia Awards của Chính phủ Australia?
Đây là học bổng toàn phần, vì thế nên có rất nhiều cơ hội mở ra và bạn không phải lo nghĩ gì về kinh tế, chỉ lo học và trải nghiệm. Tiếc là số suất giảm rất nhiều theo từng năm, nên càng ngày cạnh tranh càng cao hơn. Mình chỉ có lời khuyên duy nhất là tạo ra sự khác biệt thôi. Hy vọng các bạn đọc những phần ở trên có thể hiểu cách tư duy của mình để áp dụng vào trong quá trình săn học bổng. Ngoài ra, các bạn nên xác định là sẽ nộp 20 loại học bổng khác nhau và chỉ cần trúng 1. Mang tiếng là mình được học bổng ngay lần đầu tiên, nhưng “bí mật” ở đây là mình đã thua nhiều lần ở chỗ khác. Đời là vậy, người ta chỉ nhớ lúc mình thành công, nên đừng ngại thất bại. Mình chúc các bạn thành công, không chỉ trong việc săn học bổng, mà còn trong việc tìm được giá trị riêng mà mình có thể đóng góp cho xã hội.
“Muốn giáo dục trở nên “sexy” hơn…”
Sở hữu điểm số Ielts tuyệt đối 9.0 (Speaking 9.0, Reading 9.0, Listening 9.0, Writting 8.5), anh có thể chia sẻ một chút về kinh nghiệm học và thi Ielts của mình?
Có một trải nghiệm rất vui là ngày xưa mình học phải môn Hóa Môi trường, cả một quyển sách tiếng Anh về thuyết kiến tạo di dời lục địa, các thảm thực vật và động vật, các loại năng lượng, mình đọc chả hiểu gì cả. Cả quyển sách toàn từ mới, các khái niệm trừu tượng mà đọc như ma trận kể cả với đứa thích tiếng Anh như mình cũng nản. Thế là mình tải nguyên bộ phim khoa học nước ngoài, xem trực tiếp các hình ảnh núi lửa phun và các tầng địa chất di chuyển. Cuối cùng thế nào xem xong thì mở lại quyển sách ra, đọc từ nào cũng hiểu. Trong khi người khác học và tra từ điển trầy trật, thì mình ngồi rung đùi xem phim khoa học giải trí và nhận điểm tối đa. Thế cho nên học cũng phải đúng cách, chứ không phải cứ lao đầu vào mù quáng. Tốt nhất là phải kết hợp càng nhiều tri giác mắt nhìn mũi ngửi tay sờ, chứ đừng nên cắm đầu vào trang giấy.
Một ví dụ nữa, là ngày xưa khi chơi điện tử, các bạn chỉ biết cắm đầu vào chém giết, còn mình thì quan tâm đến lịch sử, và trước khi giết ai (trong game) mình cũng muốn tìm hiểu là… tại sao lại giết? Thế nên trước khi vào trận đấu hay có các phần kể chuyện, hay đối thoại, thì mình đều dừng chơi, thoát màn hình và tra cho đến khi hiểu thì thôi. Cuối cùng là chơi đến game thứ 3 thì mình không cần phải thoát ra tra từ điển nữa, vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có gần đó lý do để giết nhau, mà game này thì lại cóp ý tưởng của game kia chả có gì bất ngờ nữa. Từ đó mà giỏi Tiếng Anh thôi.
Anh là người đồng sáng lập là chương trình 8 IELTS đình đám?
Động lực để dồn tâm huyết vào 8 IELTS, là mình muốn giáo dục trở nên “sexy” hơn. Một hôm mình đọc được bài báo nói về một thầy giáo dọa xóa kết bạn với học trò vì bài dạy học chia sẻ kiến thức của thầy ấy cất công viết trong 1 tuần, đăng lên được có 50 likes. Cùng ngày hôm đó, mình thấy một ca sĩ nửa đêm buông câu “Đói quá” – 70.000 likes! Mình mới bảo: sao những nội dung trí tuệ, giáo dục lại kém “sexy” đến vậy? Một đất nước như vậy sẽ đi về đâu? Từ đó mình nảy ra ý tưởng làm một show mà nội dung học tuy là do các giáo viên đưa lên nhưng người diễn giải và khách mời thì lại là các người nổi tiếng, vậy thì có phải sẽ vừa kết hợp được chất lượng nội dung, và hình thức không?
Từ đó là 1 phần tâm huyết mà 8 IELTS và các game bên trong ra đời. Cuối cùng, vì mục tiêu của mình là dạy được cho 1 triệu người, nên việc có khía cạnh có 1 show truyền thông cũng sẽ có hiệu ứng lan tỏa và cho mình nhiều kinh nghiệm dạy học ở cấp độ vĩ mô.
Vậy với TEDx, điều gì đã đưa anh đến với chương trình này?
Lý do đưa mình đến làm diễn giả TEDx là một câu chuyện khá khôi hài. Mình vừa đi du học về, đang lang thang làm khán giả ở một Diễn đàn khởi nghiệp, thì tự nhiên có phóng viên nhận ra mình làm Founder show truyền hình, và xin làm bài phỏng vấn. Bài phỏng vấn đó đăng lên, thì tự nhiên có cán bộ làm ở Văn phòng Học bổng của Chính phủ Úc (nơi cấp học bổng toàn phần du học cho mình) share lên fanpage cựu du học sinh. Lên đó xong lại có chị BTV làm ở báo GD-TD của Bộ Giáo dục đọc được, đúng tháng chuyên đề tôn vinh Nhà giáo Việt Nam, nên mình lại được thêm bài nữa trên báo in của Bộ. Qua đó TEDx biết mình, và thấy mình là một trong những người ở Việt Nam có thể đại diện cho mảng Giáo dục, và thuyết trình ở một diễn đàn quốc tế. Và làm lần 1 thấy hay thì lại được mời lại lần 2.
Được biết, anh đã từng có 1 quá trình học thạc sĩ ở nước ngoài. Vậy lý do tại sao anh lại chọn đi học tiếp mà không phải là đi làm để kiếm thu nhập ngay? Và anh nghĩ sao về ý kiến “Người chưa đi làm không nên học thạc sĩ, tiến sĩ”?
Mình thấy ý kiến đó đúng đấy chứ, và quả thực chính mình đã làm vậy. Mình cũng đi làm được gần 10 năm rồi, và cũng mới đi du học về thôi. Lúc đi sau khi đã có 1 thời gian làm việc, mình đã định hình được toàn bộ những gì mình muốn làm, nên mọi thứ rất nhanh, mình lại có kinh nghiệm thực tiễn để phản biện.
Toàn bộ những thành tích của mình có được là đều có trước cái bằng cao học, nên đối với mình không cần quá phải cố đi học tiếp ngay mà mang nợ vào người. Đợi lúc nào có học bổng toàn phần thì hãng đi. Ngày xưa ở Anh chỉ 3% dân số có bằng Đại học, bây giờ là 51%, tức là việc có bằng vừa tốn kém mà không còn đem lại cho các bạn lợi thế cạnh tranh đặc biệt trong xã hội nữa. Dần dần bây giờ các công ty cũng sẽ quan trọng bạn làm được những gì, và bằng cấp không phải là con đường duy nhất.
“Không có ý kiến trái chiều nào đáng quan tâm cả…”
Anh cũng sở hữu cho mình một kênh Youtube riêng. Điều gì đã thôi thúc anh tạo một kênh Youtube và tôn chỉ của nó là gì?
Động lực số 1 thôi thúc mình làm là vì trong suốt 2 năm du học, mình đã thu thập được rất nhiều kiến thức mới lạ và ý tưởng muốn chia sẻ mà mình đã thức nhiều đêm để viết ra hàng ngàn đầu mục đang bỏ ngỏ. Sẽ là sự tiếc nuối rất lớn với mình nếu đến cuối đời cứ mải cơm áo gạo tiền mà không được biến những ý tưởng đó thành hiện thực.
Động lực số 2 là vì ở trong xã hội, nhiều khi bạn đúng nhưng bạn không có tiếng nói, thì sẽ chẳng ai nghe bạn và chẳng giúp được ai cả.
Động lực số 3 là vì mình lười. Có rất nhiều học trò và các bạn inbox hỏi mình các câu giống nhau, mà mình không có thời gian trả lời từng người một một cách thấu đáo và đúng với lương tâm. Nên thà rằng mình làm thật kỹ 1 video, rồi sau đó cứ ai hỏi thì mình chỉ đến video đó, thì tiện hơn rất nhiều.
Hiện nay, nền tảng youtube là 1 “miếng mồi béo bở” dành cho những Content Creator. Với độ canh tranh ngày cao, sự “xêm xêm” nhau về nội dung thì ngày càng nhiều, nhất là những kênh học tiếng Anh. Anh đã có giải pháp hay phương hướng gì để phát triển kênh Youtube của mình trở nên đặc biệt và nhiều người biết đến chưa?
Mình thấy đúng là bây giờ các kênh Youtube rất đa dạng, nhưng chưa có ai làm được những thứ mà mình làm cả. Hầu hết các nội dung dạy Tiếng Anh đang là tự phát, theo chiều hướng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân (hay còn gọi là kiểu “lang băm”), chứ không dựa theo nghiên cứu khoa học. Nội dung ít chất xám, nặng về tự tổng hợp, cóp nhặt và học tủ, làm bài mẫu. Nói chung mọi thứ còn đang rất thị trường, theo kiểu đồ ăn nhanh. Giai đoạn sau của Youtube Tiếng Anh ở Việt Nam sẽ cần những nội dung chất lượng hơn, cũng như cần ứng dụng công nghệ cao, AR, VR, livestream tương tác, trí tuệ nhân tạo. Đó sẽ là chỗ đứng của riêng mình.
Video phát hiện “lỗ hổng” trong chương trình Siêu trí tuệ của anh được nhiều người biết đến, ý kiến trái chiều là điều không thể tránh khỏi. Anh cảm thấy như thế nào?
Hiện nay nói thật là mình cũng chưa thấy có ý kiến trái chiều nào đáng quan tâm cả. Chắc mọi người có thể lo cho mình, nghĩ chắc thầy đang ở môi trường sư phạm, toàn gặp và nói chuyện với những người có học vấn cao, văn minh lịch thiệp, thì đương nhiên đăng lên Youtube thành phần người xem nó phức tạp. Nhưng mà mình thì môi trường nào mình cũng sống ngon hết. Mình khá là lý trí, cái nào không có luận điểm, nghiên cứu rõ ràng, mình bỏ qua luôn không cần tiếp. Nếu mà thuộc loại mải lo sợ người khác nghĩ gì, mình đã không có thời gian tập trung đạt được tất cả các thành tích như ngày nay.
Khổng Tử nói tiểu nhân bàn về con người, quân tử bàn về sự việc, vĩ nhân bàn về lý tưởng. Ở đây mình bàn về vấn đề lỗ hổng của đề với tâm góp ý, dùng dẫn chứng khoa học và luận điểm rõ ràng, ăn nói lịch sự, nhã nhặn, nên chả việc gì phải sợ ai. Nên thứ nhất là không sai thì chẳng bao giờ phải nghĩ đến xóa clip. Còn những người mà không xem nội dung clip, không dùng luận điểm mà tranh biện, mà chỉ có tấn công cá nhân con người mình, thì mình biết họ là ai trong ba loại rồi, sao phải bận tâm để ý.
Qua việc này mình muốn các BTC các show đầu tư vào chuyên môn nhiều hơn, để mảng chuyên môn thật sự có tiếng nói. Thế nên mình thấy việc mình đang làm ở clip này là rất có ý nghĩa đóng góp cho chuyển biến tích cực của xã hội, nên có khi thừa thắng xông lên phải làm thêm vài clip nữa ấy chứ.
Giảng viên Tiếng Anh giải thử thách của chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam trong 60s thay vì kỷ lục Việt Nam 31 phút vì “lỗ hổng” sau đây
Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.