Đức Phúc có thái độ quyết liệt với âm nhạc. Ba MV “Hết thương cạn nhớ”, “Hơn cả yêu” và “Người ơi người ở đừng về” là ba ý tưởng riêng biệt, chứng minh cho điều ấy.
Cuộc họp báo ra mắt MV Người ơi người ở đừng về của Đức Phúc vào cuối tuần vừa qua đã có một màn được gọi vui là “kể tội”. Là khi ê-kíp sản xuất với vũ công Quang Đăng và cả nhóm producer âm nhạc DTAP đều cùng công nhận Đức Phúc rất khó tính.
Nhưng không phải nói để đùa, Thịnh Kainz từ DTAP cho biết suốt nhiều tháng qua ngày nào anh cũng nhận được cuộc gọi của Đức Phúc. Nội dung chỉ xoay quanh ca khúc mà hai bên đang thực hiện. Thịnh Kainz bảo có những chi tiết rất nhỏ về âm thanh cũng có thể khiến Đức Phúc lăn tăn.
Sự lăn tăn hay quyết liệt ấy, suy cho cùng, đã tạo ra thành quả. Người ơi người ở đừng về đạt 4,5 triệu lượt xem sau hai ngày. Lượt xem/nghe tốt nhưng đáng ghi nhận hơn phải là Đức Phúc đã không lặp lại mình sau những sản phẩm lan tỏa trước đó như Hết thương cạn nhớ (2019) hay Hơn cả yêu ra mắt hồi tháng hai.
Một Đức Phúc khác với DTAP
“Người ơi người ở đừng về” là câu hát rất nổi tiếng của người quan họ. Không ít ca khúc, bài thơ đã lấy chất liệu từ tình tự “giã bạn” của các liền anh, liền chị để nói lên sự lưu luyến, da diết của khoảnh khắc người đi, kẻ ở. Nhưng có lẽ, đây là lần hiếm hoi câu quan họ được lấy làm cảm hứng cho sản phẩm của một giọng ca pop thông qua một MV đầu tư tiền của.
Người ơi người ở đừng về do DTAP sáng tác, đồng thời kiêm luôn vai trò sản xuất âm nhạc. Ca khúc thuộc thể loại world music đúng như thế mạnh của nhóm producer trẻ này, đã được kiểm chứng qua Hoàng của Hoàng Thùy Linh hay mới nhất Hoa hải đường của Jack.
Thứ làm nên world music ở đây là đàn đáy – nhạc cụ truyền thống vốn gắn bó với ca trù. Ngoài ra, phần nhạc cũng có sử dụng âm thanh của tiêu, sáo trúc, được đặt vào vị trí đoạn drop và cao trào của điệp khúc.
Tất nhiên, đàn đáy không phải nhạc cụ của quan họ. Bởi lẽ, quan họ cổ là thể loại âm nhạc dân gian được tạo lập bởi giai điệu tự nhiên, thông qua kỹ thuật hát “vang, rền, nền, nảy” nhưng “phi nhạc cụ” (quan họ cổ không sử dụng nhạc cụ).
Do vậy, ca khúc của Đức Phúc gần như không màu sắc quan họ dù sử dụng một câu hát truyền thống của người Kinh Bắc làm tựa đề. Đây có thể cũng là điểm gây tiếc nuối.
Song, sản phẩm được bù lại với sự kết hợp hài hòa của các nhạc cụ truyền thống với những sắp đặt âm thanh hiện đại. Nhịp điệu mang hơi hướm của thể loại reggaeton vốn rất bắt tai và sinh động khi kết hợp với hip hop.
Đức Phúc cũng đầu tư khi mời cả Suboi tham gia phần rap. Từ ghế nóng Rap Việt vốn đang nhận được không ít chú ý, sự tham gia của Suboi cũng là điểm nhấn mới lạ. Phần rap giai điệu khá dễ thương, như lời thúc giục hãy gặp mặt nhau, hãy cùng đến cuộc hẹn để trò chuyện thay vì mải mê với công việc.
Quán quân Giọng hát Việt 2015 có nhiều thay đổi về âm nhạc khi bắt tay với DTAP. Ảnh: Phương Lâm. |
Song, cũng phải nói thêm là với chất giọng Nam Bộ đặc trưng và phần flow cũng riêng biệt không kém của Suboi, trong sự kết hợp với Đức Phúc lại không tỏ ra đắt giá. Mặc dù thể loại reggaeton luôn dễ tạo đất cho rap nhưng phần rap của Suboi trong tổng thể ca khúc và chất giọng của Đức Phúc đã không thể tạo ra cú bùng nổ như kỳ vọng.
Suboi không tệ nhưng dường như Đức Phúc hợp hơn với một flow khác, thậm chí là chất giọng khác. Tại sao không thể là một rapper trẻ hơn, cùng trang lứa hơn và rapper có thể xuất hiện trực tiếp ở MV thay vì chỉ giữ vai trò như một người góp giọng đằng sau.
Ý tưởng không lặp lại
Đức Phúc luôn hát hay, không chỉ là những sản phẩm phòng thu. Dường như, anh không bị làm khó bởi các thể loại âm nhạc khác nhau, từ pop ballad, R&B hay world music pha với hip hop. Nhưng số lượng ca khúc pop ballad áp đảo hơn cả.
Người ơi người ở đừng về chứa một tinh thần đáng được khích lệ khi nam ca sĩ đã tự đặt mình vào vùng đất mới thay vì thu mình trong sự an toàn của pop ballad. Nhưng đáng khen hơn là ngay cả ý tưởng hình ảnh cũng không cho thấy sự lặp lại.
Nếu Hết thương cạn nhớ đậm màu văn hóa Bắc Bộ qua bàn tay của đạo diễn Vũ Hồng Thắng. Hơn cả yêu là ý tưởng về những câu chuyện tình yêu giản dị mà cuốn hút, thì Người ơi người ở đừng về lại câu chuyện về tình bạn, học đường.
Những trò chơi tinh nghịch, những khoảnh khắc ăn vặt của nhóm bạn sau giờ học, những lá thư “máy bay” được tái hiện theo cách rất chân thực. Đức Phúc cũng đầu tư mời cả dàn nghệ sĩ hài nổi tiếng với Xuân Bắc, Tự Long, Minh Hằng, Công Lý, Hương “Tươi” (Thu Hương).
Dàn nghệ sĩ nổi tiếng với chương trình Táo Quân tham gia MV của Đức Phúc. |
Tất cả đều là những diễn viên hài đình đám, được gọi là dàn “Táo Quân” do nổi tiếng ở chương trình Gặp nhau cuối năm trên sóng giờ vàng đêm Giao thừa.
Trước đó, trong Hơn cả yêu hay Hết thương cạn nhớ, dàn diễn viên của Đức Phúc cũng luôn được đánh giá là chất lượng.
Nhưng giữa dàn diễn viên chuyên nghiệp, Đức Phúc vẫn đảm bảo được nét diễn riêng của anh. Đôi khi, không chỉ là sự hồn nhiên như nhiều người vẫn nghĩ.
Tất nhiên, để là câu chuyện đắt giá với những sáng tạo về hình ảnh, bàn tay Nhu Đặng ở sản phẩm lần này đã không để lại quá nhiều ấn tượng, như cách Hết thương cạn nhớ hay Hơn cả yêu trước đó. Mặt khác, trang phục cũng nhận ý kiến trái chiều vì giống Thái Lan. Đó cũng được cho là một điểm trừ.
Song, MV cũng có cái kết tính toán và hấp dẫn. Là khi Đức Phúc chủ ý “cosplay” những MV nổi tiếng của nhạc Việt như sản phẩm của Đen Vâu, Trúc Nhân, 365, Erik, Hòa Minzy… Thành phẩm do đó có tính chất hài hước, giải trí, tích cực – đúng gu của nhạc Việt hiện tại.
review Người ơi người ở đừng về
Đức Phúc
review Người ơi người ở đừng về
MV mới
Suboi
Karik
bình luận âm nhạc
review nhạc
bình luận
Theo Zing.vn
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.