BigDaddy: “Đã làm rapper thì phải tự coi mình là King”

Dường như luôn có một điểm đồng nhất trong giới rapper, đó là sự trái ngược hoàn toàn giữa tính cách đời thường kiệm lời và cá tính âm nhạc dữ dội. BigDaddy cũng vậy. Đối diện trước truyền thông, anh nhiều lần không nhớ nổi mình được hỏi những gì hoặc vì né tránh một chủ đề nhạy cảm mà chọn sự im lặng an toàn. Điều đó cũng lý giải phần nào cho câu hỏi về âm nhạc của anh 2 năm trở lại đây, rằng vì sao khi đã trở thành người đàn ông có vợ lẫn con, lại xuất thân từ underground nhưng sản phẩm luôn vẫn ngập tràn màu hồng, hình ảnh đôi lứa như mới chếnh choáng va vào nhau.

Người ta hay cho rằng rap được sinh ra là để giải tỏa những điều tiêu cực, tối tăm, bức bối trong cuộc sống. Thực ra, rap chỉ là tiếng lòng để được lắng nghe, dù nó xuất phát từ người có hoàn cảnh sống rất bình thường. Tôi chính là ví dụ điển hình. Là một người giàu cảm xúc lại có tình cảm hạnh phúc, tôi có xu hướng viết rap về tình yêu – đơn giản vậy thôi chứ không phải vì muốn chiều chuộng ai cả“, BigDaddy chia sẻ.

BigDaddy chia sẻ về King Of Rap

– Dù đã có vợ con, âm nhạc của tôi vẫn phản ánh trung thực tình yêu như vừa chớm nở với Emily – 

Vừa đón sinh nhật tuổi 29 cách đây không lâu, vậy là BigDaddy giờ đây đã trở thành một người đàn ông có mọi thứ trong tay từ sự nghiệp, gia đình… trước cột mốc trưởng thành tuổi 30?

Tuổi mới của tôi diễn ra khá bình thường. Sau khi hết giãn cách đợt một, vừa tới sinh nhật mình thì lại bước vào đợt hai. Do đó, tôi không có ước ao gì lớn mà chỉ mong công việc được suôn sẻ hơn vì năm vừa rồi kinh tế hơi thâm hụt một chút. Tôi không biết định nghĩa trưởng thành của một người đàn ông trước năm 30 là thế nào nhưng với tôi thì càng có nhiều thứ phải lo. Có những cột mốc mà người đàn ông nào cũng phải có: mua được nhà, xe, nhiều những giải thưởng âm nhạc, nhiều những cột mốc trong sự nghiệp.

Tuy nhiên còn nhiều điều phía trước mà mình phải chinh phục, ví dụ như làm album đầu tiên chẳng hạn. King Of Rap chính là cơ hội để tôi được hoà vào nhịp điệu đầy sức sống của hip-hop Việt, vừa để tập trung vào cái mình tốt nhất.

BigDaddy: Đã làm rapper thì phải tự coi mình là King - Ảnh 2.

“Cái mình tốt nhất” – tức là anh đã bước sang giai đoạn chỉ nên ngồi yên một chỗ để định hướng và trao quyền cho thế hệ sau?

Cái mình tốt nhất ở đây chính là kinh nghiệm và khả năng ở dòng nhạc rap. Nhưng sẽ không có giai đoạn nào là giai đoạn tôi chỉ ngồi yên một chỗ để định hướng và truyền đạt cho thế hệ sau. Tôi sẽ luôn vừa hoạt động cho sự nghiệp của riêng mình mà vẫn có thể song song truyền cảm hứng tới giới trẻ.

Thực ra tôi đang trong quá trình sản xuất các dự án của mình, trong đó bao gồm cả những đĩa đơn và album. Có thể sớm nhất là sau khi King Of Rap khép lại, một vài sản phẩm đặc biệt sẽ được ra mắt.

BigDaddy: Đã làm rapper thì phải tự coi mình là King - Ảnh 3.

Đặt trong bối cảnh thị trường âm nhạc Việt Nam, một album rap được đầu tư bài bản chắc hẳn vẫn là điều lạ lẫm mà chỉ khi nào mắt thấy tai nghe thì mới đánh giá được nhỉ?

Yeah! Làm một album rap mất rất nhiều thời gian. EP (đĩa đơn mở rộng) và mixtape thì dễ hơn và đã có nhiều ở thị trường rồi. Hiện tại, tôi chỉ mới làm được 3 bài mà cả 3 đều không ưng ý. Album khác với sản phẩm lẻ, nó phải có tính liên kết, đột phá nhưng hợp lý về mọi mặt.

Trong máy tôi đang có khoảng 40 bản demo, có bài tốn đến 3 năm để thực hiện mà chưa xong vì cứ viết được một chút thì tôi lại để đó. Sau này có muốn hoàn thiện cũng không được nữa do mỗi cảm xúc chỉ đến một lần duy nhất. Nhưng dù thế nào thì tôi cũng phải tiếp tục làm thôi vì đằng sau tôi còn có ekip hỗ trợ.

Rap luôn là cái gì đó rất cá nhân và thức thời. Nhưng hai sản phẩm mới nhất của anh cùng Emily là Mượn Rượu Tỏ Tình và Ơ Sao Bé Không Lắc đều kể về tình yêu lúc chớm nở, chếnh choáng như mới va vào nhau. Nó có phản ánh trung thực về mối quan hệ của cả 2 hiện tại?

Với tôi vấn đề không nằm ở sự thức thời, hay tính thời sự. Rap của tôi là cảm xúc chân thực. Tôi và Emily vẫn đi chơi cùng nhau, hay la cà và say sưa như hồi mới yêu. Dù đã có con nhưng nếu biết sắp xếp thì cả 2 vẫn có thể nhờ ông bà chăm để “đi đu đưa” 1 – 2 buổi mỗi tuần. Khác với suy nghĩ của mọi người rằng cuộc sống của đàn ông có gia đình rất gai góc, kịch tính, đầy trải nghiệm để đưa vào sản phẩm. Cuộc sống của tôi trong 2 – 3 năm qua không biến động quá nhiều, thậm chí còn bớt sôi nổi so với lúc còn trẻ. Đây cũng chính là điểm hạn chế mà tôi cần khắc phục để có thêm chất liệu trong âm nhạc.

BigDaddy: Đã làm rapper thì phải tự coi mình là King - Ảnh 4.

– Trong hip-hop, “reputation” (danh tiếng) còn phải đi cùng với “respect” (sự tôn trọng) – 

Từ đường phố, rap lên sân khấu truyền hình quốc gia, chễm chệ trên trên top trending, được nhắc trực diện ngay tiêu đề của những tờ báo chính thống nhờ 2 cuộc thi lên sóng cùng lúc. Ngoài bề nổi đó, điều gì đã diễn ra bên dưới cơn sóng đang cuộn trào mạnh mẽ này?

Người ta hay cho rằng rap được sinh ra là để giải tỏa những điều tiêu cực, tối tăm, bức bối trong cuộc sống. Thực ra, rap chỉ là tiếng lòng để được lắng nghe, dù nó xuất phát từ người có hoàn cảnh sống rất bình thường và hạnh phúc. Tôi chính là ví dụ điển hình. Hiện tại, rap ở Việt Nam rất đa dạng về cách hoạt động cũng như nội dung, đề tài. Ngày xưa, rap thuộc về một thế giới khác, nó phải nói về những điều tiêu cực, những khốn khổ hay quan điểm cá nhân của ai đó. Một cách tự nhiên, rap len lỏi vào đời sống âm nhạc, tiếp cận đến nhiều tầng lớp khán giả, gout thưởng thức khác nhau. Chắc chắn một điều rằng mọi thứ chỉ mới bắt đầu và còn phát triển mạnh hơn nữa.

BigDaddy: Đã làm rapper thì phải tự coi mình là King - Ảnh 5.

Thì ra rap đang dần phá vỡ những định kiến từ chính cộng đồng bên trong?

Ngày xưa, mọi người thường đặt ra quy chuẩn một rapper phải mặc quần tụt, áo rộng thùng thình rồi đeo nhiều dây dợ, vàng đầy người và đội mũ snapback. Nhưng bây giờ, rất nhiều tên tuổi mới trên thế giới không mặc quần tụt. Tôi mặc quần jeans, áo sơ mi, tôi vẫn là rapper. Thậm chí tôi mặc suit nhưng tôi vẫn rap. Mọi thứ đã bị phá vỡ và bớt rập khuôn đi rất nhiều. Đây là thời điểm khán giả muốn hiểu nhiều hơn về nghệ sĩ, ngoài việc anh lên sân khấu anh đẹp đẽ, sáng loá thì họ cũng quan tâm tới đời tư. Lợi thế của rapper chính là chia sẻ được bản thân và trải nghiệm thật qua âm nhạc, khiến khán giả tò mò.

BigDaddy: Đã làm rapper thì phải tự coi mình là King - Ảnh 6.

Để ý giới rapper luôn có cách xưng hô rất đặc trưng đó là gọi nhau bằng “anh em”, bất kể lúc mới gặp hay đã quen biết nhiều năm. Nó có ý nghĩa như thế nào: một văn hoá, câu cửa miệng hay bản năng?

Nói chính xác hơn, đó là văn hoá “homie” hay “homeboy”, nôm na là những người đi cùng bạn từ lúc bắt đầu sự nghiệp. “Anh em” ở đây không hẳn là rapper này và rapper kia. Đó còn bao gồm những anh em quay phim, anh em thiết kế quần áo, anh em chạy sân khấu, anh em làm nhạc… Tất cả không thể tách rời nhau nếu muốn thành công. Trong hip-hop, “reputation” (danh tiếng) còn phải đi cùng với “respect” (sự tôn trọng).

Nhưng có phải tình anh em đến mức cực đoan đôi khi lại mang đến những xung đột, chẳng hạn “mất chất”, “chạy theo thị trường”, “hám danh”…?

Tôi từng không thích mình bước ra ngoài kia và trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Thậm chí, tôi còn tranh cãi với những người anh em đã lên mainstream. Khi họ được nhiều người chú ý hơn, trong lòng tôi có vài phần ghen tỵ. Nhưng khi tôi đi tiếp con đường này, tôi nhận ra quan điểm đó không đúng. Giá trị của một người nghệ sĩ là những gì họ xứng đáng được nhận. Không phải cứ làm nhạc vì tiền hay kiếm tiền từ âm nhạc là mất chất. Việc kiếm tiền từ âm nhạc cũng đang góp phần giúp thị trường phát triển và tạo ra cơ hội cho mọi người.

BigDaddy: Đã làm rapper thì phải tự coi mình là King - Ảnh 7.

Trong chương trình Rap Việt, có một phần trình diễn đến từ thí sinh rất nổi tiếng – Key của nhóm Monstar – bị phần đông ban giám khảo cho là cũ kỹ, thiếu đột phá, đã có từ “10 năm trước”. Rap của 10 năm trước là như thế nào?

Tôi có xem phần dự thi ấy. Rap của 10 năm trước theo tôi hiểu là cách đi flow đơn giản, không cầu kỳ, dễ đoán trước. Ví dụ với một người nghe rap lâu năm, sau khi nghe bạn đi flow câu này thì có thể đoán luôn được câu sau sẽ ra sao. Hoặc có thể do cách viết của bạn thiếu tinh tế, xếp vần chưa đủ linh hoạt. Nhạc rap ngày nay là sự pha trộn đầy sáng tạo của rất nhiều dòng nhạc, bạn phải chọn cho mình một màu sắc cụ thể, có thể đi flow bình thường nhưng nội dung phải thực sự đắt giá.

Ngay cả khi Mượn Rượu Tỏ Tình ra đời, giới trẻ đang có trào lưu thả thính mạng xã hội và lan truyền những cách tỏ tình ngầu nhất nên bài hát mới thành công. Nhưng đặt trong bối cảnh bây giờ, ý tưởng ấy đã cũ lắm rồi và có khi không được đón nhận.

BigDaddy: Đã làm rapper thì phải tự coi mình là King - Ảnh 8.

– Đã làm rapper thì phải tự coi mình là King –

Hãy nói về chương trình mà anh đang ngồi ghế giám khảo, King Of Rap. Tôi thật sự thắc mắc King ở đây là ai? Nếu là các thí sinh, liệu cách gọi đó có quá ngạo nghễ và thể hiện tính đề cao mình của giới rapper?

Đơn giản là cái văn hoá này nó vốn vậy. Mỗi rapper luôn tự xem bản thân là King của chính mình. Như Cardi B hay Nicki Minaj, ai dám nói người nào tài năng hơn người nào nhưng ai trong họ vẫn nhận mình là “I’m A Queen” đấy thôi. Hay T.I cũng có hẳn một bài có tên là I’m A King. King Of Rap không phải là sân khấu quy mô của các rap battle. Chương trình được làm ra là để tìm một “rap star” trong tương lai, và King chỉ là cách gọi để tỏ rõ sự chiến thắng cho người xứng đáng.

Anh nghĩ sao về nhận định King Of Rap đang thiếu một người host có thể dẫn dắt, kết nối không khí như Rap Việt với Trấn Thành?

Đây là năm đầu tiên 2 chương trình rap lên sóng cùng lúc. Việc tìm một người host vừa phù hợp với rap, vừa thân thiện với đại chúng là điều không hề dễ dàng. Nhà sản xuất chắc chắn sẽ rất áp lực để cân bằng hai yếu tố đó. Còn để so sánh hiệu ứng lẫn chất lượng, chúng ta chỉ đang ở những tập đầu nên hãy cứ chờ những điều thú vị phía trước.

BigDaddy: Đã làm rapper thì phải tự coi mình là King - Ảnh 9.

Chứng tỏ cánh cửa của rap chỉ mới hé mở 1 nửa và không phải ai cũng có thể bước vào, ngay cả một MC nổi danh hàng đầu?

Tôi không thấy vấn đề gì với việc Trấn Thành làm MC cho chương trình rap. Anh ấy rõ ràng đã có sự tìm tòi, đầu tư rất sâu về văn hóa hip-hop chứ không chỉ mang mảng miếng hài lên sân khấu. Khó mà kỳ vọng một cuộc thi được phát sóng trên truyền hình lại giống một sân khấu rap battle phóng to được. Cho nên, người phụ trách dẫn chương trình như vậy cũng phải phù hợp và biết cách tạo nên sự hài hoà giữa nhiều thái cực khán giả.

Việc Trấn Thành bị phản đối có thể được xem như một nét đặc trưng về tính cách của cộng đồng underground. Có một bộ phận không nhỏ người nghe nhạc rap mang cái nhìn cực đoan, khu biệt, thậm chí hẹp hòi với những gì được cho là đụng chạm đến lãnh địa của họ.

BigDaddy: Đã làm rapper thì phải tự coi mình là King - Ảnh 10.

Nhưng sau khi kết thúc 2 chương trình, thị trường lại đón nhận ồ ạt những rapper mới trong cùng thời điểm. Các công ty giải trí có đón nhận họ không? Và khán giả phải làm sao để phân biệt những giọng đọc mà đôi khi phải dùng “Việt Sub” mới hiểu hết?

Đây sẽ là năm đầu tiên mà các bạn rapper có cơ hội lựa chọn cho mình hướng đi chuyên nghiệp, ekip ưng ý và con đường tỏa sáng riêng biệt nhờ hiệu ứng từ 2 chương trình. Và chắc chắn rồi, các công ty sẽ đón nhận họ thôi vì rap đang đóng vai trò tương tối quan trọng trong đời sống âm nhạc. Nhưng tôi không nghĩ việc gò bó các rapper vào khuôn mẫu đào tạo ca sĩ thần tượng sẽ là ý hay. Rapper là phải được thoải mái, tự do, trung thành với bản ngã của mình.

Còn nói về cách phân biệt họ, cá nhân tôi thấy việc ca sĩ này giống ca sĩ kia còn nhiều hơn rapper này giống rapper kia ấy chứ. Ngay cả yếu tố địa phương cũng hình thành rất rõ phong cách của mỗi rapper. Chẳng hạn người giọng Nam, người giọng Bắc, người giọng Trung đã có sự khác nhau rồi. Chưa kể phong cách, nhịp flow, dòng nhạc mà họ theo đuổi. Tôi nghĩ mọi thứ sẽ không dừng lại, và thời rap trở nên bão hoà hãy còn xa lắm.

BigDaddy: Đã làm rapper thì phải tự coi mình là King - Ảnh 11.

Nếu rap được thương mại hoá, liệu thế mạnh ngôn từ của nó có đóng góp gì đáng kể cho sự đa dạng thị trường nhạc Việt vốn đang “ngộp thở” bởi vì chuyện yêu đương, MV drama, người thứ ba…? Hay là tất cả đều phải thoả hiệp để có những Mượn Rượu Tỏ Tình, Từ Chối Nhẹ Nhàng Thôi, BIGCITYBOI?

3 ví dụ trên không phải là thỏa thiệp. Đơn giản là họ thích viết về tình yêu. Sự đa dạng trong nội dung âm nhạc là cần thiết nhưng nói âm nhạc Việt đang “ngộp thở” bởi ca khúc yêu đương cũng không đúng vì tình yêu mãi mãi là đề tài muôn thuở trong nghệ thuật. Thế giới này thật đẹp khi ngập tràn tình yêu. Thêm nữa, khi một rapper hợp tác với một ca sĩ, tôi không cho rằng đó là thoả hiệp, mà đúng hơn là phát triển. Đó là quá trình “chắt chiu” những gì tinh tuý nhất từ cả hai phía để tạo ra một thành phẩm hoà hợp, thăng hoa.

Việc trỗi dậy của làn sóng rap/hip-hop sẽ làm đa dạng, phong phú chủ đề âm nhạc. Ngoài tình yêu, Đen cũng nói về chuyện xã hội, bản chất con người, thiên nhiên. Và chắc chắn sẽ còn nhiều rapper khác khai thác về nhiều khía cạnh thú vị trong cuộc sống. Còn tôi, xin được thành thật luôn là cuộc đời của tôi trước giờ rất ít biến động, lại không phải đi lên từ khó khăn hay vất vả quá nhiều để có chất liệu đào sâu vào bản thân. Là một người giàu cảm xúc lại đang hạnh phúc, tôi có xu hướng viết rap về tình yêu – đơn giản vậy thôi chứ không vì muốn chiều chuộng ai cả.

BigDaddy: Đã làm rapper thì phải tự coi mình là King - Ảnh 12.

Cám ơn BigDaddy vì cuộc trò chuyện! 

Theo Kenh14

Source: https://kenh14.vn/big-daddy-da-lam-rapper-thi-phai-tu-coi-minh-la-king-20200830191055022.chn