MC Tùng Leo được biết đến như một trong những gương mặt nổi bật của làng giải trí. Anh từng đảm nhận nhiều vai trò khác nhau ở nhiều show truyền hình thực tế đình đám như Vietnam’s Next Top Model, Project Runway Vietnam, Sao Đại Chiến… Thời gian gần đây, khán giả ít thấy Tùng Leo xuất hiện trên truyền hình do anh tập trung sản xuất talk show cho riêng mình và làm những công việc phía sau màn hình.
Tuy nhiên, ở cương vị một đàn anh kỳ cựu, có sự nghiệp dày dặn, nhiều kinh nghiệm và có tiếng nói, khi được chúng tôi tìm đến để tham khảo về chuyện nghề, về đồng nghiệp cũng như drama trong show thực tế thì vị MC quyền lực cũng sẵn lòng bày tỏ những quan điểm một cách thẳng thắn, chân thành nhất.
MC Tùng Leo chia sẻ về chuyện nghề
Xin chào MC Tùng Leo! Một người làm truyền hình lâu năm như anh chắc hẳn vẫn theo dõi những hoạt động sôi nổi và đang gây chú ý trên màn ảnh nhỏ, ví dụ như các chương trình truyền hình về Rap?
Tôi có theo dõi và yêu thích cả Rap Việt và King Of Rap. Tuy không theo dõi trọn vẹn nhưng hay mở các đoạn cắt để xem.
Tôi cực kỳ thích không khí của các huấn luyện viên. Phần Rap có tiết mục hay và không hay nhưng phần trò chuyện của Wowy, JustaTee, Karik, Suboi… dễ thương vô cùng. Tôi thấy không khí chương trình rất đáng yêu. Lâu lâu, Trấn Thành tham gia vào cũng hay, có điều màu của Trấn Thành đôi khi lệch quá nên tôi nghĩ bạn nên bớt lại một chút thì sẽ thú vị hơn. Tuy nhiên đó cũng có thể do phong cách của người dẫn. King Of Rap hay kiểu riêng, hay theo kiểu tố chất của thí sinh. Tôi thấy cả hai chương trình đều thú vị.
Gần đây, việc Trấn Thành rơi nước mắt nhiều tập Rap Việt là một đề tài gây tranh cãi. Anh có cho rằng một người dẫn dắt chương trình cần phải tỉnh táo, không quá cảm xúc như nhiều khán giả yêu cầu?
Chúng ta phải hỏi người dựng vì có vẻ bạn này thích thấy người khác khóc chứ tôi nghĩ không phải vì Trấn Thành hay khóc. Tôi rất ủng hộ việc Trấn Thành khóc, không phải vì khóc làm đẹp hình ảnh người dẫn chương trình hơn mà vì người dẫn chương trình phải cần có cảm xúc.
Chắc bạn cũng sẽ nhớ lần đầu tiên tôi dẫn WeChoice Awards. Tôi đã phải xin phép mọi người dừng chương trình trong vài giây để tôi đứng khóc vì tình huống ông chủ và con chó. Tôi rất đồng tình với Trấn Thành về chuyện này. Đã là người dẫn chương trình thì phải như vậy. Đừng nói người dẫn chương trình là phải tỉnh táo hoàn toàn. Người giữ được sự tỉnh táo 100% phải là đạo diễn chương trình vì MC cũng là nghệ sĩ, anh ta được quyền có cảm xúc.
Tuy nhiên, tôi nghĩ người dựng nghĩ rằng khán giả thích nhìn thấy Trấn Thành khóc, hoặc Trấn Thành khóc sẽ làm tăng view, hoặc người ấy yêu giọt nước mắt của Trấn Thành. Vì vậy, anh ấy đã dựng Trấn Thành khóc quá nhiều, đây không phải lỗi của Trấn Thành.
Vậy vấn đề đến từ khâu biên tập của chương trình?
Lỗi là do chương trình chọn cái gì làm yếu tố drama. Năng lực sản xuất truyền hình nằm ở chỗ này. Nếu hôm nay tôi cho bạn khóc một lần thì ngày mai, ngày kia không nên như thế nữa. Đúng một vòng bạn khóc nó mới giá trị còn nếu tập nào cũng khóc thì giọt nước mắt nó không mang giá trị của drama nữa.
Không chỉ khóc nhiều, MC Trấn Thành cũng gặp không ít tranh cãi về cách dẫn dắt của mình. Bản thân Trấn Thành cũng chia sẻ anh phải nói rất nhiều để ban biên tập có cái cắt dựng, dường như nghệ sĩ sẽ dễ “chịu trận” vì khâu hậu kỳ của TV show?
Thật ra ở nước ngoài có một quy định giữa người sản xuất và talent (nghệ sĩ). Họ kí với nhau một giấy tờ thỏa thuận những gì tôi cho phép thì bạn mới được lên hình. Nhưng tất cả những giấy tờ đó đều lắt léo ở chỗ chuyện cho phép hoàn toàn khác với chuyện cắt dựng. Nếu đây là một mối quan hệ văn minh thì người cắt dựng sẽ nghĩ về sự nghiệp tương lai của người kia để tính tới.
Nếu nghệ sĩ là người kĩ lưỡng hơn thì có thể yêu cầu được xem trước chương trình. Tôi đã từng yêu cầu một chương trình phải có chữ ký của tôi thì chương trình đó mới được đi tiếp, nếu không thì tôi không cho phép. Còn nghệ sĩ nếu đã chấp nhận chuyện cắt dựng thì phải chấp nhận luôn những tình huống mà họ đã đưa ra. Nếu đã tin tưởng hoàn toàn thì không được lên tiếng nữa vì đã đồng ý ngay từ đầu.
Ngoài ra, mình phải chịu trách nhiệm với tất cả những lời đã nói ra trên trường quay và sân khấu. Việc cắt dựng chỉ thay đổi được 30% thôi, không thể nhiều hơn được. Vì vậy, những tình huống đâu đó cũng phản ánh được mỗi người.
Cuối cùng, nếu chúng ta là người của công chúng, đặc biệt là có ảnh hưởng truyền thông thì chúng ta có thể dùng sức ảnh hưởng đó để đính chính những gì không đúng sự thật. Tôi nghĩ “cây ngay không bao giờ sợ chết đứng”. Phía nhà sản xuất nếu chỉ nghĩ: “OK, đây là cảnh quay của tôi, tôi đã quay và cắt dựng như thế nào cũng được” thì điều đó không đúng vì pháp luật Việt Nam vẫn không đồng ý việc sử dụng trái phép hình ảnh của người khác, đặc biệt là bôi nhọ danh dự. Tôi nghĩ không có gì đáng lo vì nếu như bị kiện thì đơn vị sản xuất vẫn thua kiện như thường.
Nếu đặt bản thân vào vị trí tương tự Trấn Thành, anh có nghĩ mình sẽ kiểm soát được cảm xúc hay không?
Nếu là tôi, tôi nghĩ mình kiểm soát được. Tôi luôn kiểm soát được tất cả các tình huống, ngay cả việc khóc trên sân khấu của WeChoice Awards, tôi cũng kiểm soát được vì tôi biết lúc đó nên khóc, không nên dừng cảm xúc đó lại.
Quay trở lại chương trình Sao Đại Chiến, rất nhiều lần đạo diễn nói vào tai tôi là hãy kích thêm đi, nhưng tôi không làm vì tôi biết nếu làm thì chuyện gì sẽ xảy ra. Hoặc tôi vẫn nghe nhưng gia giảm lời nói để bớt tính sát thương. Trong trường hợp mọi thứ đang quá êm đềm, tôi kích ngay vào Dương Cầm thì lập tức sẽ có chuyện. Người dẫn chương trình phải có đủ 50% tỉnh táo để biết mình là ai.
Đối với tôi, tôi thích những người dẫn chương trình có cảm xúc, nhưng sẽ thích hơn nếu họ biết điều. Biết mình là ai là việc khó nhất của một người nghệ sĩ.
Tôi chưa từng làm việc nhiều với Trấn Thành nên không biết môi trường làm việc của bạn ấy như thế nào. Tôi cũng không làm việc nhiều với đơn vị sản xuất chương trình Rap Việt nên cũng không biết mối quan hệ tương hỗ giữa họ, ai nghe lời ai. Nói chung, xin được nói một cách chuyên nghiệp, kết quả cuối cùng về dư luận luôn do nhà sản xuất chịu trách nhiệm.
Rap Việt gần đây cũng bị phản ứng trái chiều vì drama quá. Một chương trình về Rap nhưng lại có cảnh khóc và khai thác quá nhiều về hoàn cảnh của thí sinh dường như là không phù hợp?
Điều này giống như liều lượng. Tôi lấy ví dụ một ly cocktail, có người thích rượu nhiều hơn, có người thích nước ngọt nhiều hơn. Nếu không phải người uống được rượu thì ly nào cũng đầy nước ngọt, còn người sành uống rượu uống những ly đó lại cảm thấy ly này quá tệ. Hay như, chỉ cần thiếu một chiếc lá thôi thì cái mùi của ly cocktail đã không đủ ngon rồi. Nhà sản xuất cần phải gia giảm các yếu tố trong chương trình. Tôi nghĩ trách nhiệm ở đây thuộc về người sản xuất.
Nhưng dường như ở Việt Nam, không có drama thì show sẽ không hot?
Khán giả truyền hình Việt Nam rất thích drama. Họ chờ mong tất cả người lên sân khấu hoặc truyền hình mang đến cho họ một câu chuyện gì đó. Hoặc là bùng nổ vì thông tin quá lạ, hoặc vô cùng thương tâm, hoặc là vô cùng trái khoáy. Điều này rất dễ hiểu bởi cũng giống như hơi thở hàng ngày, chúng ta sẽ chẳng bao giờ để ý tới nó cho đến khi chúng ta bị ho.
Tôi luôn luôn nghĩ rằng đây là một trong những kĩ thuật nghề nghiệp, bạn phải biết tạo drama để khán giả chú ý. Hay nói đúng hơn, nếu chúng ta học về chuyên nghiệp thì sẽ biết đến thuật ngữ Golden Seven (con số 7 vàng ngọc của nghề làm truyền hình), nghĩa là nếu 7 phút trôi qua mà không có điều gì mới, hoặc không có drama thì chương trình đó sẽ đi vào quên lãng.
Điều này có tạo ra nghịch lý không khi cùng lúc đó, dư luận lẫn khán giả sẽ luôn chỉ trích drama, yêu cầu chương trình phải tập trung hơn cho chuyên môn?
Điều này có 50% đúng, 50% sai. Về phần đúng, đã là truyền hình thì cần phải truyền tải những nội dung chính quy nhất với mọi người. Tuy nhiên, chính quy đang trở nên nhàm chán. Đó cũng là lý do tôi quyết định tạo ra một mùa Vietnam’s Next Top Model mang concept Break The Rules, bởi nếu không “phá bỏ mọi giới hạn” thì có lẽ sẽ không bao giờ có một cô gái 1m55 được Á quân. Rõ ràng, có rất nhiều chiều thông tin tranh cãi có nên đồng ý cho cô ấy được giải không.
Chúng ta cũng cần định nghĩa “drama” là gì. Ví dụ, gần đây trên đài truyền hình TP.HCM có một chương trình là Và Tôi Vẫn Hát. Đây cũng là chương trình mà tôi đứng đằng sau. Tôi thích chương trình này vì những người không phải ca sĩ, bước vào độ tuổi đặc biệt đến đây không phải chỉ để hát mà để nói với khán giả lý do tại sao trong ngần ấy năm, họ không được hát, tại sao họ phải hy sinh niềm yêu thích của mình để làm một điều gì đó khác.
Đó cũng là một định nghĩa của drama, có nghĩa là những sự thật đẹp trong cuộc đời. Nó giống như những viên ngọc trong bùn đất trở nên lấp lánh hơn khi được tìm kiếm và lấy ra. Nhưng trước khi lấy được viên ngọc đó, tay chúng ta phải nhúng vào bùn đã. Cách hiểu thứ hai về drama là cãi nhau, đánh nhau trên sóng truyền hình thì lại mang một ý nghĩa khác.
Khán giả được quyền đưa ra chính kiến, được quyền cho rằng đúng hoặc sai, được quyền thích hoặc không thích và nhiệm vụ của người làm truyền hình là chấp nhận điều đó và đi tiếp chứ không phải vì điều đó mà bị ảnh hưởng.
Vậy là chắc chắn các nhà sản xuất luôn luôn phải cân bằng giữa yếu tố drama và chuyên môn chính thống?
Chính xác. Khi hợp tác với ê-kíp Vietnam’s Next Top Model và Project Runway Vietnam, chúng tôi cân bằng hai yếu tố đó rất tốt. Tôi luôn mong muốn tính chuyên môn và drama của chương trình là 50 – 50. Khi chúng ta gọi một chương trình là truyền hình thực tế nghĩa là yếu tố thực tế đã chiếm 50% rồi.
Nếu một chương trình có yếu tố chính thống cao quá thì phải đảm bảo đó là một trong những chuyên môn được khán giả yêu thích. Ví dụ như Vietnam Idol, The Voice… chuyên môn ở đây chính là âm nhạc thì đây là lĩnh vực được khán giả yêu thích rồi, yếu tố drama không cần nhiều cũng được. Nhưng nếu một chương trình chuyên môn ít được để ý như Project Runway Vietnam, có nội dung về lĩnh vực thiết kế thì thông thường khán giả không biết nhiều, vậy thì phải “đắp” drama vào để chương trình được cân bằng.
Anh có từng cảm thấy ngột ngạt vì drama khi thực hiện chương trình không?
Tôi không thấy ngột ngạt mà chỉ cảm thấy không đồng tình nếu drama là một sự cố tình. Tôi luôn nói với đồng nghiệp rằng sự thật trên truyền hình đạt đến 70 – 80% dù có thể không phải là 100%. Nhưng nếu có khán giả nhìn thấy sự sắp đặt thì sự thật đó mới chỉ đúng được 50% thôi vì chúng tôi không sắp đặt những câu chuyện hay cuộc cãi vã mà sắp đặt những tình huống để lấy ra tính cách của con người.
Và anh có khi nào từng gặp bế tắc khi không thể tạo ra tình huống drama không?
Có chứ. Có những lần mình cố tình đẩy drama nhưng nhân vật lại lãnh cảm với drama thì không làm gì được. Một trong những nhân vật đó là Lý Giám Tiền. Bạn ấy ngây thơ và vô lo nên vô tư với tất cả mọi thứ. Ai chửi cũng kệ, ai làm gì cũng kệ, chỉ vào suy nghĩ, ngủ và làm việc, thế thôi, và lúc nào bạn cũng thắng. Đó cũng là một trong những đóng mở ngoặc của cuộc đời mà nếu bạn để ý sẽ thấy, những người điềm tĩnh với cuộc đời là những người vô cùng thành công. Đừng tưởng làm Drama Queen mà dễ sống với cuộc đời này!
Ngược lại cũng có những thí sinh đến với chương trình truyền hình thực tế chẳng có ý định đi đến cuối cùng?
Có 2 kiểu thí sinh đến với cuộc thi, một là muốn chứng minh mình có năng lực để tỏa sáng và đi tiếp trên con đường chuyên môn, hai là muốn trở thành một entertainer (nhân vật giải trí). Con đường thứ 2 không sai, nhưng cái gì cũng có kết quả của nó, bạn gieo cái gì thì gặt cái nấy. Nếu bạn cố tình tạo ra drama thì khán giả sẽ đón nhận bạn như một lớp sóng trào và ngay lập tức bạn sẽ biến mất.
Không một ai có thể sống mãi cùng với drama, điều này được minh chứng rất rõ nét trong showbiz Việt Nam 5 năm vừa qua. Những người bắt đầu bằng drama giờ đây đều là bọt biển. Rõ ràng, chuyên môn vẫn là điều cuối cùng nhưng những người có chuyên môn lại không đủ thông minh để nhào nặn cái chuyên môn của mình hợp lý trong môi trường giải trí truyền thông. Và như vậy thì cũng không thể tồn tại được.
Bản thân anh đã bao giờ trở thành nhân vật gây ra tranh cãi và nhận được nhiều ý kiến trái chiều chưa?
Có, thường xuyên luôn. Trước đây, tôi là người rất thích thể hiện chính kiến của mình trên trang cá nhân. Mà chính kiến của một con người bao giờ cũng có hai chiều và tôi đã từng gánh chịu rất nhiều búa rìu dư luận vì những chính kiến của mình.
Tôi nghĩ rằng mình không còn đủ thời gian cho những tranh cãi nữa. Bước sang một lĩnh vực mới, tôi cần tập trung để thực hiện những giấc mơ mới. Tôi tạm gác vị trí là một người bước ra ánh sáng sân khấu, một người nổi tiếng để quay trở lại xây dựng cho những người khác nên tôi không có nhu cầu phải trò chuyện nhiều với công chúng như xưa.
Hơn nữa, thật ra những drama đã có trong sự nghiệp cũ làm cho tôi có nhiều thành công hơn. Chính vì vậy, tôi tin rằng miễn mình có một chính kiến tốt và sống chính trực thì mọi điều tốt sẽ đến.
Anh có nghĩ những bình luận ném đá của khán giả hướng tới nghệ sĩ không hẳn vì những gì họ thể hiện trên show mà vì đơn giản họ không thích nghệ sĩ đó không?
Khán giả rất trong sáng. Họ tin vào những cảm xúc cá nhân của mình một cách ngây thơ và mãnh liệt. Vậy nên, họ cho họ nhiều quyền hơn những người khác.
Ở khía cạnh nghệ sĩ, tôi cảm thấy chuyện này rất bình thường. Khi họ đã không thích tôi rồi thì những gì tôi làm, họ đều có quyền không thích. Giống như việc bạn không ăn cay thì cho dù chỉ có một ít ớt bạn vẫn thấy nó rất cay. Chúng ta không nên suy nghĩ về điều đó quá nhiều.
Đã là một người nghệ sĩ phải có bản lĩnh với khán giả. Khán giả là một phần tất yếu của nghệ sĩ nhưng không bao giờ nói rằng: “Tôi là người dẫn dắt bạn đi”. Nếu bạn lựa chọn đi vào con đường đó thì đừng đổ thừa cho khán giả.
Có nhiều khán giả không thích Trấn Thành và Hương Giang vì cho rằng hai nhân vật này hay nói đạo lý, dạy đời. Anh cảm nhận ra sao về lí do này?
Có 2 vấn đề. Thứ nhất, cái gì quá cũng không tốt. Ăn nhiều quá không tốt, uống nhiều quá cũng không tốt, ngủ nhiều quá cũng không tốt, yêu nhiều quá cũng không tốt. Xuất hiện trên truyền hình nhiều quá cũng không tốt. Tôi thực sự cảm thấy ái ngại cho các nhà sản xuất vì họ không tự tin vào chất lượng chương trình mà phải bám víu lấy danh vọng, hình ảnh của những nghệ sĩ.
Chính vì vậy, khán giả rất khó phân biệt hình ảnh mà họ đang xem là của chương trình nào vì chỉ có từng đó người. Thậm chí, có một nhóm người cứ tráo đi tráo lại. Tôi cảm thấy ái ngại, không phải cho người nghệ sĩ mà là ái ngại cho chương trình và nhà sản xuất. Bản lĩnh của nhà sản xuất không có.
Còn vấn đề nói đạo lý thì ai trong chúng ta cũng thích nói đạo lý. Và một lần nữa, cái gì quá cũng không tốt. Nếu như mình biết gia giảm thì nó vẫn hay. Tôi không phải là bạn thân của Hương Giang nên cũng không có ý kiến gì cả. Nhưng nếu được nói đôi lời với Giang và Thành thì tôi sẽ nói: “Cái gì quá cũng không tốt”.
Nhưng thử nhìn theo hướng khác, anh có nghĩ thị trường quá ít những bạn trẻ có đủ khả năng để kế thừa các vị trí đó không?
Tôi không tin. Ở giai đoạn đầu sự nghiệp, tôi đảm nhận vai trò host của Hot Vteen tạo ra các nghệ sĩ mới. Tôi biết chắc chắn rằng một người nhỏ bé như tôi, một tờ báo nhỏ như VTM còn làm được chuyện đó thì việc tạo ra các ngôi sao, tài năng mới là chuyện dễ làm của những ông trùm truyền thông. Hoặc là họ không muốn làm, hoặc có một thỏa thuận ngầm nào đó với các nghệ sĩ đặc biệt mà thôi. Tôi tin điều đó. Đây là một sự bất công, chứ không phải là việc thiếu người tài.
Là người thực hiện và dẫn dắt rất nhiều chương trình, anh có tâm đắc một chương trình nào đặc biệt nhất không?
Có lẽ là Project Runway Vietnam. Lúc đó, tôi nhớ mình từng trả lời phỏng vấn rằng sẽ không có một người nào phù hợp với vai trò này hơn tôi, vì tôi là người dẫn chương trình đồng thời là người có thâm niên giảng dạy về ngành thời trang 10 năm ở Đại học Kiến trúc. Có lẽ, hai yếu tố này kết hợp lại cộng với lĩnh vực báo chí đã hoạt động rộng rãi trong 5 năm khiến tôi trở nên phù hợp với vai trò mentor (huấn luyện viên) của chương trình.
Thực ra, kể về các chương trình mà tôi đã tham gia thì rất nhiều. Tôi cảm thấy may mắn vì mình được tham gia nhiều chương trình hay. Ví dụ về âm nhạc, Sao Đại Chiến là một trong những chương trình tôi rất thích vì show này cân não người dẫn chương trình vô cùng, làm sao để kích được ngòi nổ giữa người ngồi phía dưới và người đứng trên sân khấu nhưng vẫn giữ được một thái độ điềm tĩnh và hài hước.
Hiện tại, dường như anh đang lui về những công việc phía sau màn hình?
Tôi vẫn làm cả hai, nhưng ở trước màn hình sẽ chỉ còn 20%. Tôi yêu công việc dẫn chương trình và rất muốn tiếp tục. Mọi người cũng nói rằng nhắc đến talk show thì không ai qua tôi và tôi cảm ơn những nhận định đó. Bởi vì đây là lĩnh vực tôi thích nhất, được trò chuyện với một ai đó, được lấy cảm xúc của một ai đó ra ngoài và đặc biệt là làm họ bất ngờ về quan điểm của mình. Tôi đã từng làm nhiều người bất ngờ khi ngồi trò chuyện với tôi.
Tôi cho rằng, đây chính là phương án duy nhất cứu tôi ra khỏi nỗi nhớ truyền hình và vừa giúp cho khán giả vẫn giữ lại một anh MC to mập, vui vui nhưng vẫn có độ sâu sắc nào đó.
Hiện tại tôi có 2 talk show: Studio H9 – Hẹn Cuối Tuần, phát sóng tối Chủ nhật hàng tuần đã đi đến mùa thứ 3 và Cuộc Sống Bừng Sáng lên sóng vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Vậy là Chủ nhật sáng tối đều có show còn trong tuần đi làm công chức nhà nước (cười).
Anh nghĩ sao về thế hệ người dẫn chương trình hiện nay?
Người dẫn chương trình ngày càng đẹp, thông minh và hài hước, duyên dáng nhưng thiếu tính quyết liệt và một sân chơi để tự mình tìm ra tiềm năng. Tất cả những cuộc thi dành cho MC hiện nay, thật đáng tiếc không có cuộc thi nào thực sự chất lượng hết. Một số chương trình còn khiến thí sinh hiểu lầm rằng nghề MC cũng cần drama. Tôi rất tiếc cho một thế hệ đang hiểu lầm về điều đó.
Anh có kế hoạch tạo ra một chương trình dành cho các tài năng MC đúng theo phương châm của mình không?
Tôi luôn khao khát làm một chương trình truyền hình thực tế về người dẫn chương trình. Tôi có nói chuyện với Phí Linh – một người bạn miền Bắc mà tôi rất yêu quý rằng chúng tôi nên tập hợp lại và làm với nhau một chương trình như thế.
Hiện nay, cùng với đơn vị hợp tác, tôi đang dự định đưa ra một chương trình tương tự. Tôi hy vọng sẽ sớm thôi, tôi sẽ lấy lại vinh quang của thời Hot Vteen. Tôi muốn tạo ra những con người mới, không chỉ giỏi một lĩnh vực cụ thể mà sẽ trở thành một thế hệ dynamic mới. Tôi rất mong Kenh14 sẽ đi cùng tôi trong dự án này.
Cảm ơn những chia sẻ của Tùng Leo và chúc anh ngày càng thành công với các dự án mà mình theo đuổi!
Theo Kenh14
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.