Là dòng phim gần gũi và giàu ý nghĩa nhân văn, phim truyền hình với đề tài tâm lý – gia đình ở bất kỳ thời đại nào cũng sở hữu một lượng khán giả đông đảo. Những năm trở lại đây, màn ảnh nhỏ Việt chứng kiến sự “nở rộ” của Về Nhà Đi Con – phim về tình cha con, tình chị em hay Hoa Hồng Trên Ngực Trái – tình yêu, tình nghĩa vợ chồng, Cây Táo Nở Hoa – tình anh em và Gạo Nếp Gạo Tẻ. Cả 4 tựa phim đều thu hút số đông khán giả, liên tục lập kỷ lục về người xem, dàn diễn viên được đánh giá cao cùng với đó là những cảnh quay đắt giá.
Thế nhưng nếu Về Nhà Đi Con hay Hoa Hồng Trên Ngực Trái dễ chịu hơn hẳn khi cân bằng giữa khổ đau và hạnh phúc, giữa cái xấu và điều thiện, những nút thắt được tạo ra vừa phải làm nổi bật tính nhân văn, dễ chịu, đáng có và nên có của một tựa phim gia đình, thì Cây Táo Nở Hoa và Gạo Nếp Gạo Tẻ lại đang quá sa đà vào việc tạo drama, gầy dựng quá nhiều tuyến nhân vật xấu, thừa thãi, vô tình khiến phim gây ức chế và đánh mất đi tính nhân văn nên có của phim gia đình.
Càng về giai đoạn cuối Cây Táo Nở Hoa đang chứng minh bản thân là kẻ “tự lấp hố chôn mình”. “Ức chế”, “tức anh ách”, “bỏ phim”,… là những bình luận của hầu hết khán giả khi theo đuổi phim cho đến thời điểm hiện tại. Tự hỏi Cây Táo Nở Hoa có cần thiết phải xây dựng bi kịch tràn lan, thừa mứa như vậy không? Các nhân vật đều xấu xa, đều mâu thuẫn với gia đình, có phải là tiêu chí “nên có” của một tựa phim gia đình?
Tạo “thảm họa” bằng cách cố lấp tràn drama, bi kịch không nên có!
Một cơn mưa có thể cứu cả một cánh đồng khô hạn nhưng một cơn bão thì khác. Đó cũng cách mà Cây Táo Nở Hoa hay Gạo Nếp Gạo Tẻ đang “dội” drama tới người xem, tràn lan và vô tình tạo nên “thảm họa”.
Chọn “xếp kho” niềm vui và hạnh phúc, Cây Táo Nở Hoa nối dài bi kịch, chồng chất khổ đau qua từng phút của phim. Chị Hạnh (Hồng Ánh) tập nào cũng khóc, cũng khao khát đòi được giải thoát. Anh Ngọc (Thái Hòa) điên cuồng đi “dọn” hậu quả cho các em. Châu “mắc kẹt” trong chính gia đình của mình. Báu tập nào cũng gây họa,… Những cái xấu xa, gàn dở và ngu ngốc nhất cứ thế nảy nở, chồng chất lên nhau qua từng tập. Điều gây ức chế hơn nữa, là không một ai được quyền giải thoát, hay có ý định bước ra khỏi bi kịch đó, mặc dù họ tự ý thức được những đau khổ mà bản thân đã và đang phải gánh chịu. Vợ con không chịu nổi mà rời đi, em út vô tâm với anh hai, thậm chí còn trách ngược lại nhưng Ngọc vẫn liên tiếp bao bọc và không trách móc lấy nửa lời. Ngà vẫn nói “em không làm được chuyện đụng tay đụng chân” sau cú nợ 5 tỷ khiến Ngọc phải bán cả nhà và giờ đang gánh nợ chồng chất. Báu bị chồng đánh thì gọi anh hai đến giải quyết phút trước nhưng phút sau liền ôm hôn người chồng vừa đánh mình?…
Không còn là tình tiết gây ức chế đơn thuần, việc thắt nút liên hồi mà không tìm hướng gỡ rối đã vô tình khiến Cây Táo Nở Hoa trở nên rối ren, tạo thành tấn bi kịch (nỗi khổ xuất phát từ nội tại) dày vò cả tinh thần nhân vật lẫn người xem. Thử hỏi lấy đâu ra tính nhân văn ở một gia đình bố mẹ vô trách nhiệm, anh chị em kẻ ăn bám, gây họa khiến người khổ sở hy sinh cả một đời, vợ chồng xào xáo đến oán hận nhau,… Đó là khái niệm của hai chữ “gia đình” ư? Vẫn biết phim gia đình nên và đang nhặt nhạnh chất liệu từ đời sống thường nhật, sao Cây Táo Nở Hoa lại chỉ nhặt nhạnh khổ đau, bi kịch hoài vậy? Phim nên có drama, có vấn đề mới thu hút người xem nhưng tại sao lại chỉ cho khán giả thấy mặt xấu của gia đình?
Drama đoạn đầu sẽ đẩy phim lên cao trào, thu hút người xem, họ đã chạy theo để chờ sự giải quyết nhưng mãi không thấy, dẫn đến ức chế, nhàm chán. Gạo Nếp Gạo Tẻ cũng là phim gia đình nhưng cũng ngập drama gây tranh cãi và ít nhiều gây khó chịu cho người xem. Từ đó dẫn đến kết thúc gây nhiều tranh cãi dù kết phim có hậu. Phần lớn khán giả chê cái kết Gạo Nếp Gạo Tẻ thiếu thuyết phục, không rõ ràng, như đang cố giải quyết vấn đề một cách chắp vá, miễn cưỡng sau một mớ hỗn độn đã gây ra.
Cũng là phim gia đình, Về Nhà Đi Con và Hoa Hồng Trên Ngực Trái cũng có drama, nhưng là kiểu “sau cơn mưa trời lại sáng”. Bi kịch được đặt đúng chỗ, đúng nhân vật đẩy mạch phim phát triển hợp tình hợp lý. Và cái quan trọng hơn cả là phim có sự đan xen giữa nỗi đau và hạnh phúc, niềm vui và nỗi buồn. Một Khải vũ phu, ghen thái quá là bi kịch không hiếm trong các cuộc hôn nhân. Tiểu tam Nhã quá đáng nhưng có kẻ trị, hụt dần theo từng ngày,… Trong lúc đó, người xem vẫn thấy sáng bừng lên tình chị em, tình cha con, tình yêu đôi lứa trong suốt chặng hành trình của phim,… Thái (Ngọc Quỳnh) là kẻ xấu xa nhưng cái xấu của Thái khiến phim đời và mở lối cho cuộc hôn nhân tăm tối của Khuê (Hồng Diễm).
Nhiều phản diện hơn chính diện, thậm chí nhân vật còn xấu xa với chính bản thân mình
Cả Cây Táo Nở Hoa và Gạo Nếp Gạo Tẻ cùng xây dựng rất nhiều nhân vật xấu xa trong một gia đình. Các nhân vật không những xấu với chính ruột thịt của mình, mà còn ích kỷ với cả chính bản thân mình. Nếu ở Gạo Nếp Gạo Tẻ có mẹ ruột căm ghét con ruột, chị em trong gia đình ghét bỏ nhau, thậm chí vợ chồng nên duyên với nhau vì tình yêu hay vì lợi ích cũng đều đem đến khổ đau cho đối phương. Thì Cây Táo Nở Hoa còn tệ hơn, từ bà Ích, Ngọc, Ngà, Châu, Báu, Dư, Ngọc (ruột thịt trong một gia đình),… ai cũng liên tục đem đến khổ đau cho đối phương, liên tục gây họa và hơn hết họ còn tự làm khổ chính bản thân mình. Nếu không làm kẻ xấu trong cuộc đời người khác như Hạnh hay Phúc thì cũng đang khốn khổ với chính cuộc đời của mình. Thậm chí Ngọc đang biến tình yêu thương “sai người, sai thời điểm” thành bi kịch, điểm gây ức chế của phim. Một tựa phim gia đình mà người thì xấu xa, vô tâm kẻ thì quá bao dung dẫn đến gàn dở, ngu ngốc thì tự hỏi đó còn là gia đình? Đã thế các nhân vật còn mâu thuẫn trong lời nói và hành động đến vô lý. Ngọc đang tỉnh táo và đã tuyên bố bỏ mặc các em, quyết tìm đến Hạnh nhưng phút sau lại đòi ly hôn vợ rồi về bảo bọc các em; Ngà khóc rưng rức hứa sẽ thay đổi vì anh hai, yêu thương Ngọc, nhưng anh vẫn đứng trước mặt mà lên lời trách móc, đổ lỗi cho anh hai mọi chuyện,… Trong khi đó tất cả đều là những con người bình thường, có ý thức.
Liệu có cần thiết phải xây dựng kiểu nhân vật kiểu “xuống dốc không phanh” như vậy, trước đó Về Nhà Đi Con hay Hoa Hồng Trên Ngực Trái đã rất thành công mà không hề gây ức chế trong cách xây dựng nhân vật. Cả hai phim này chính diện đều nhiều hơn phản diện. Cái xấu của từng nhân vật là cái xấu gắn liền với yếu tố đời thường, mở ra vấn đề cho phim và hơn hết câu chuyện của mỗi nhân vật đều luôn biết điểm dừng, biết dung hòa và đều mang những ý nghĩa nhân văn nhất định. Nếu Thái không ngoại tình thì liệu Khuê có hạnh phúc với gã chồng coi thường vợ? Nếu ông Sơn bảo bọc các con như cách anh Ngọc nuông chiều các em thì liệu sẽ có một Về Nhà Đi Con thấm đẫm tình cha con, chị em,…
Phim về gia đình cần nhẹ nhàng và mang đến ý nghĩa nhân văn nhất định cho khán giả?
Vốn dĩ phim mang đề tài tâm lý – gia đình sẽ phản ánh cuộc sống gia đình, đưa đến cho người xem một cái nhìn chân thật nhất về tình cha con, vợ chồng, chị em,… Bàn đến điều này thì cả hai phim gia đình Việt là Về Nhà Đi Con và Hoa Hồng Trên Ngực Trái đã làm tốt. Phim nhẹ nhàng gửi gắm thông điệp về tình cảm vợ chồng, tình anh em, tình cha con mà không cần tạo dựng bi kịch nặng nề, hay điều gì quá to tát. Chỉ cần những câu thoại nhẹ nhàng như: “Bố chẳng có tài sản gì ngoài các con. Giờ bố chẳng còn gì ngoài sự già nua, giáo điều, lẩm cẩm. Nhưng bố có tình yêu. Tình yêu và một ngôi nhà, để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về”, cũng dư sức chạm đến trái tim người xem.
Cái quan trọng là phim có bi kịch, có drama nhưng không làm đánh mất đi tính nhân văn và niềm tin vốn có vào gia đình. Những biến cố trong phim là những ngã rẽ buộc nhân vật phải thay đổi để khiến cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Phim khiến con người tin và bấu víu vào sức mạnh của tình thương, của máu mủ ruột thịt. Khuê có thể có một người chồng không ra gì nhưng cô có mẹ chồng tử tế, có đủ mạnh mẽ và tỉnh táo để tự giải thoát cho bản thân. Các cô con gái của ông Sơn có thể vấp ngã, nhưng đó là những “bước hụt” cần có để họ tìm được hạnh phúc đúng nghĩa, họ biết cách tự giải thoát cho chính mình và hơn hết họ có một gia đình để về.
Còn Cây Táo Nở Hoa thì khác, dường như phim đang khiến khán giả mất đi niềm tin vào gia đình. Cây Táo Nở Hoa cứ liên tiếp đẩy nhân vật “đâm đầu vào ngõ cụt”. Một gia đình mà không biết nên đặt niềm tin vào ai, không biết tìm sự bình thường ở đâu chứ chưa nói đến niềm vui hay hạnh phúc. Từ tập 1 cho đến tập 45 là những ngao ngán thở dài nặng nề. Một người mẹ ruột tồi tệ nhất lịch sử màn ảnh Việt, xấu xa toàn diện, bắt con gái phục vụ dê già, lấy tiền phẫu thuật của con trai, ăn cắp tiền mừng cưới của con gái chưa hết còn lừa dối làm anh em bất hòa,… Anh thì yêu thương mù quáng, em chuyên đi gây họa, chỉ nghĩ cho mình dù đã gần 40 tuổi, đủ nhận thức và đủ tỉnh táo. Tình anh em trong phim thành thứ tình toxic nhất màn ảnh chỉ gây khó chịu và đau khổ. Vợ chồng ở bên nhau nhưng ngày nào cũng cãi vã, uất nghẹn đến chịu không nổi mà phải ly hôn dù vẫn còn yêu. Chưa từng có một ai hạnh phúc trong gia đình anh Ngọc, tất cả đều là những đau khổ, dày vò và ai cũng muốn giải thoát khỏi gia đình đó.
Vẫn biết drama là yếu tố cần có trong phim, nhân vật xấu là điều phải có, nhưng, đã xây dựng một tựa phim tâm lý – gia đình thì việc dung hòa giữa cái xấu và cái tốt là điều nên có. Hãy xây dựng các tình tiết, các tuyến nhân vật làm sao để thuyết phục và có tình, có lý hơn.
Nguồn: Tổng hợp
Theo Kenh14
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.